Trong khủng hoảng, lợi nhuận đi xuống và áp lực cắt giảm chi phí sản xuất đè nặng lên vai các ông chủ, nhưng nhiều công ty cho rằng sa thải nhân công không phải là một lựa chọn khôn ngoan.
Riêng trong tháng ba vừa rồi đã có 663 người bị sa thải, nâng tổng số nhân công thất nghiệp từ đầu cuộc suy thoái đến nay tại nước Mỹ là 5,1 triệu người. Tuy nhiên, một số ít doanh nghiệp vẫn kiên quyết duy trì lực lượng lao động với mục đích khi nền kinh tế ấm trở lại, họ có thể đẩy mạnh sản xuất ngay lập tức.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là hành động đúng đắn. Một giáo sư kinh tế tại Florida cho rằng: "Việc sa thải nhân công trong khủng hoảng có thể đặt doanh nghiệp vào thế bất lợi khi kinh tế tăng trưởng trở lại".
Lợi nhuận của tập đoàn Costco Wholesale giảm 27% so với năm trước. Tuy vậy, cho đến nay họ không sa thải một nhân công nào mà chỉ ngừng tuyển dụng nhân viên mới vào làm việc tại văn phòng công ty.
Công ty này cho rằng lực lượng lao động là tài sản quý giá nhất mà họ có. Bob Nelson, Phó chủ tịch phụ trách kế hoạch tài chính của Costco nói: "Thay vì sa thải nhân viên, chúng tôi cắt giảm triệt để những chi phí không cần thiết”.
Một thống kê gần đây cho thấy 71% số công ty trong diện điều tra tại Mỹ thừa nhận đã sa thải nhân viên. Một phần tư những công ty được hỏi cắt giảm lương thưởng hoặc hoãn trả lương.
Thiếu khôn ngoan nếu sa thải nhân viên thời khủng hoảng
Tuy vậy, nhiều công ty đã đúc kết rằng sa thải nhân công là biện pháp vượt khủng hoảng tốn kém. Khi kinh tế hồi phục, các ông chủ sẽ phải đăng thông báo tuyển dụng nhân viên mới, phải phỏng vấn và sau đó là đào tạo họ. Trong khi đó, ứng viên có khả năng làm việc và kỹ năng quan hệ khách hàng tốt không phải dễ kiếm.
Mặc những con số dự báo thất nghiệp lan nhanh trên khắp nước Mỹ, một CEO cho rằng xu hướng mới của các công ty sẽ là tìm nhiều cách cắt giảm chi phí khác hiệu quả hơn sa thải nhân viên.
Công ty chuyên sản xuất cửa chính và cửa sổ Marvin chưa sa thải bất kỳ ai trong số 5.300 công nhân đang làm việc tại hãng, mặc dù doanh thu của Marvin đang có dấu hiệu đi xuống từ năm ngoái tới nay. Chủ tịch công ty, bà Susan Marvin nói: “Nếu sa thải công nhân, chúng tôi sẽ khó có thể tìm thấy những người có tay nghề cao và hàng chục năm kinh nghiệm như đội ngũ mà công ty đang có”.
Thay vào đó, công ty này áp dụng biện pháp cắt giảm giờ làm việc từ 40 giờ xuống còn 32 giờ. Đội ngũ công nhân khá hài lòng với biện pháp này. David Peterson, 56 tuổi nói: “Bị cắt giảm giờ làm cũng gây ra khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ít nhất tôi vẫn giữ được việc làm, một điều rất may mắn trong thời điểm hiện nay”.
Bên cạnh đó, việc sa thải nhân viên đồng nghĩa với việc công ty phải trả chi phí bồi thường. Một nhân viên bán lẻ tại Mỹ có thể nhận được 1.000 USD nếu bị sa thải, phí bồi thường cho quản lý cấp thấp với mức lương 50.000 USD mỗi năm có thể là 5.000 USD. Với những nhân viên có mức lương cao tới 6 con số, tiền bồi thường dành cho họ cũng theo đó mà tăng lên, có thể tới 50.000 USD.
Sa thải nhân viên đồng nghĩa với việc công ty phải trả chi phí bồi thường
Ngoài ra, sa thải nhân công gây ra những chi phí không nhìn thấy được như chảy máu chất xám. Việc sa thải hàng loạt cũng khiến những người còn trụ lại cảm thấy mất tinh thần. Họ làm vệc với thái độ nơm nớp và căng thẳng vì lo sợ mình sẽ là người tiếp theo phải ra đi.
Và khi công ty bắt tay vào tuyển dụng lại nhân viên, họ sẽ phải ra mức giá cao hơn lương của nhân viên cùng vị trí trước đó. Người tìm việc, nhất là những người có tay nghề cao có nhiều quyền lực hơn trong thỏa thuận lương, so với những nhân công đang làm việc trong công ty.
Tuy vậy, trong nhiều tình huống việc sa thải nhân công là không thể tránh khỏi. Trong trường hợp này, các công ty cố gắng cắt giảm một cách ít tổn hại nhất. Tập đoàn ITT đã sa thải 1.200 nhân viên, chủ yếu là công nhân trong nhà máy và nhân viên văn phòng. Người phát ngôn của ITT, ông Andy Hilton nói: “Chúng tôi sẽ giữ lại đội ngũ kỹ sư bằng mọi giá. Họ hết sức quan trọng và không dễ để tuyển dụng người tài.”.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng tỷ lệ thất nghiệp 8,5% hiện nay của nước Mỹ có thể nhanh chóng leo lên 10% vào cuối năm nay. Thị trường lao động sẽ khó có thể quay lại trạng thái bình thường cho đến năm 2013.
Theo Nam