Một số thương hiệu thời
trang Việt Nam đã để lại dấu ấn đối với người tiêu dùng trong nước, tuy
nhiên quá trình làm thương hiệu của các doanh nghiệp xem ra vẫn còn
nhiều điều đáng bàn.
Khi phác họa bức tranh
tổng thể của ngành dệt may Việt Nam, hầu hết các chuyên gia đều có chung
nhận định: doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành dệt may tuy rất
nhiều nhưng tạo được thương hiệu vẫn còn khá khiêm tốn. Trong khi đó,
ngày càng nhiều thương hiệu quốc tế đổ vào thị trường Việt Nam đã tạo
thêm cơ hội cho người tiêu dùng trong nước quan tâm đến việc “mặc đẹp”
thay cho “mặc ấm”. Nhận xét trên được đưa ra tại hội thảo “Thương hiệu
cho doanh nghiệp dệt may tại thị trường nội địa”, do Masso Consulting
phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Công ty Nghiên cứu thị trường
định hướng (FTA) tổ chức. Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt
Nam, cho biết điểm yếu của dệt may Việt Nam là thiết kế, thương hiệu và
việc phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu.
Xây dựng thương hiệu như thế nào?
Vậy, đâu là điểm quan
trọng nhất của một thương hiệu thời trang? “Chất lượng là yêu cầu bắt
buộc”, ông Hoàng nhấn mạnh. Cụ thể, điều này được thể hiện qua độ bền
nguyên phụ liệu, đường kim mũi chỉ, độ biến dạng, độ bền màu… của sản
phẩm. Nhưng quan trọng hơn, người tiêu dùng nhìn nhận thế nào về chất
lượng khác nhau giữa các thương hiệu. Kế đến, thiết kế là yêu cầu không
thể thiếu của một thương hiệu, nhưng vấn đề là chuyên gia thiết kế có
được người tiêu dùng nhận biết không, và mẫu thiết kế xong được trình
diễn như thế nào để khách hàng cảm nhận và chấp nhận mua sản phẩm.
Để
đạt được sự thừa nhận của người tiêu dùng, tức đi đến đích cuối cùng về
mặt thiết kế, cần phải có hai yếu tố: sự phát triển của ngành thiết kế
thời trang Việt Nam và năng lực thiết kế của từng doanh nghiệp. Các
chuyên gia cho biết ngành thiết kế thời trang của một quốc gia sẽ phát
triển dựa trên ba yếu tố: vị trí trong khu vực và trên thế giới; chiến
lược đào tạo nguồn nhân lực thiết kế; và điều kiện xã hội cho sự phát
triển của lĩnh vực thiết kế. Về phía các doanh nghiệp, để khẳng định
năng lực thiết kế của mình cần phải quy tụ được đội ngũ các chuyên gia
thiết kế; thành tích thiết kế phải được xã hội nhìn nhận cũng như biết
trình diễn các mẫu thiết kế một cách thuyết phục nhất.
Doanh nghiệp thời trang làm thương hiệu
Về mặt truyền thông,
thông điệp từ thương hiệu cần được chuyển tải dưới nhiều hình thức, chứ
không chỉ qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Việc này cần được
làm một cách chuyên nghiệp và quan trọng là phải có lý do để người tiêu
dùng tin tưởng. Hiện nay, các chuyên mục thời trang trên báo và tạp chí,
chương trình biểu diễn thời trang, trang web thời trang… xuất hiện ngày
một nhiều cho thấy xã hội đang dành sự ưu ái nhất định cho thời trang.
“Truyền thông đa dạng sẽ tạo cơ hội để các thương hiệu thể hiện hết
mình. Nói như thế nào, chuyển tải thông điệp gì thì doanh nghiệp nào
cũng làm được, nhưng điểm mấu chốt vẫn là người tiêu dùng… có tin
không”, ông Hoàng nêu vấn đề.
Vì thế, truyền thông cần
được làm với tính chuyên nghiệp cao. Các chuyên gia cho biết tính chuyên
nghiệp được cấu thành bởi bốn yếu tố: đúng đối tượng (giới trẻ thì
không phù hợp với phong cách chững chạc); đúng công cụ (khách hàng
thường đọc loại báo nào); đúng thông điệp (chỉ nói những gì liên quan
đến thời trang, giá trị mang đến cho người tiêu dùng chứ không phải bản
báo cáo thành tích của doanh nghiệp); thể hiện đúng (chọn người mẫu
chuyên nghiệp, cách trình diễn ấn tượng trên các kênh truyền thông).
Ngoài ra, cũng nên chú trọng đến việc tạo hình ảnh thương hiệu tại điểm
phân phối, trưng bày sản phẩm.
Tại hội thảo nêu trên,
các chuyên gia đã đưa ra mô hình xây dựng thương hiệu thời trang, với ba
yếu tố chính là “phù hợp”, “khác biệt” và “tin cậy”. Ở yếu tố “phù
hợp”, một thương hiệu thời trang phải đáp ứng được mong muốn của khách
hàng và chủ sở hữu thương hiệu; đồng thời doanh nghiệp phải thể hiện
được trách nhiệm với xã hội bằng cách tạo môi trường làm việc tốt cho
người lao động, gây thiện cảm với cộng đồng xung quanh. Đối với yếu tố
“khác biệt”, doanh nghiệp phải nêu được xu hướng thời trang sắp tới và
hiểu đối thủ cạnh tranh hiện nay và sau này, từ đó xác định người tiêu
dùng đến với thương hiệu của mình vì những giá trị gì. Cuối cùng, về yếu
tố “tin cậy”, thương hiệu phải thiết lập được công cụ hoặc thông điệp
đối thoại với khách hàng một cách chuyên nghiệp, kiên trì và nhất quán.
Điều này có nghĩa doanh nghiệp không thể tùy tiện điều chỉnh cam kết,
thay đổi chính sách với khách hàng vì gặp phải những bất lợi trong sản
xuất, kinh doanh.
Theo Nam