Tôi đã từng được “huấn luyện tân binh”
Khi đến Đoàn Phòng không Hải Phòng để thực hiện số đầu tiên của chương trình Chúng tôi là chiến sỹ tôi vô cùng bỡ ngỡ, mặc dù trước đó tôi đã dành nhiều thời gian để ôn lại tất cả kiến thức quốc phòng trong chương trình đại học.
Để đảm bảo cho chương trình thành công, tôi phải tham gia từ khâu chuẩn bị và xây dựng kịch bản chương trình. Sau đó phải dành nhiều thời gian nghiên cứu và thu thập thông tin, tìm hiểu kỹ lưỡng về các sự kiện, nhân vật, tiểu phẩm…
Bắt tay vào thực tế tôi khá lúng túng vì không biết bắt đầu từ đâu, cách dẫn như thế nào cho hợp với phong cách nhà binh. Tôi và anh Lại Văn Sâm đã được các sỹ quan của Đoàn B63 (Quân chủng PK-KQ) huấn luyện kiến thức cơ bản về điều lệnh quân đội.
Từ tác phong ăn mặc, đi lại, cách xưng hô chào hỏi đến các động tác điều lệnh đơn giản. Tôi ghi chép các bài học cẩn thận sổ riêng làm bảo bối. Quá trình ghi hình, tôi và anh Sâm cũng được các anh chỉnh vài lần về động tác chào, vì khi chào lòng bàn tay thường ngửa về phía trước.
Việc giới thiệu thủ trưởng cơ quan, tên đơn vị cũng được các anh sỹ quan tham mưu tư vấn tỉ mỉ, nhất là phải bảo đảm bí mật quân sự. Không những “huấn luyện tân binh” cho chúng tôi, phía Quân chủng PK-KQ còn tặng tôi và anh Sâm mỗi người một bộ quần áo rằn ri và quân hàm mới. Bộ quân phục đã tiếp thêm sức mạnh, giúp tôi tự tin hơn khi bước ra sân khấu...
Làm người lính không dễ!
Tôi đã đi làm chương trình với tất cả các quân binh chủng trong quân đội, với rất nhiều chuyên ngành quân sự khác nhau. Người ngoại đạo như tôi nơi nào đặt chân đến đều rất mơ hồ.
Tôi cũng không thể ngồi ở nhà để tìm hiểu về từng đơn vị được, do đó phải tích cực đi và tìm hiểu qua những câu chuyện và việc làm của người chiến sỹ trên thao trường bãi tập, cả trong trực ban làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.
Nhiều nơi đã khiến cho chúng tôi đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, thêm vào đó là lòng khâm phục khi các anh đã nhận phần khó khăn, gian khổ về mình, ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biển trời và biên cương Tổ quốc. Mỗi đơn vị khi chúng tôi đến đều để lại những ấn tượng riêng.
Khi đến Trường Sỹ quan Không quân tại Nha Trang, lần đầu tôi nhìn thấy cảnh tượng khá lạ mắt: Giữa sân tập thể thao xuất hiện hàng chục chiếc vòng tròn chuyển động quanh sân như các diễn viên xiếc. Sau này tôi mới biết đó là vòng quay ly tâm của các học viên phi công thực hành huấn luyện thể lực.
Cũng tại đây, lần đầu tiên MC được mặc quần áo phi công để dẫn chương trình. Không khó để anh Sâm có thể tìm được bộ đồ vừa ý, nhưng đối với tôi mọi người cố gắng tìm bộ quần áo nhỏ nhất rồi nhưng vẫn quá rộng so với vóc người nhỏ thó của tôi.
Khi đứng bên cạnh chiếc máy bay phản lực để ghi hình mọi người cười ồ vì bộ đồ bay rộng thùng thình làm cho người tôi to ra một cách bất thường.
Lần khác đi làm clip chào đầu của Đơn vị Không quân C18, chúng tôi được bay trên bầu trời Hà Nội hơn 20 phút, ai cũng mệt nhoài vì say máy bay. Biên tập viên Lan Hương nôn thốc nôn tháo. Tôi và quay phim dù rất mệt nhưng vẫn cố gắng quay bằng được cảnh Hà Nội nhìn từ trên cao.
Vui nhất là khi máy bay đáp xuống đường băng, khi tôi đứng trước ống kính camera giới thiệu: Bây giờ chúng ta sẽ gặp gỡ với các chiến sỹ trẻ Đơn vị Không quân C18.
Bỗng dưng mọi người phá lên cười, ngoảnh lại tôi mới biết những người bước xuống máy bay không phải là phi công trẻ mà là các “bác phi công”, có anh còn xoa xoa cái đầu rất hói trông rất ngộ nghĩnh. Sau đó chúng tôi quay lại bằng một đúp khác và sửa cụm từ chiến sỹ trẻ thành chiến sỹ.
Khi thực hiện chương trình tại Đoàn B75, ý tưởng quay clip chào đầu trên Đài điều khiển tại Phân đội 77 (H.82) của tôi đã được các đồng nghiệp rất tâm đắc. Nhiều anh ở Đoàn B75 cứ trêu “Không ai được thăng chức nhanh như em, từ một chiến sỹ lên tiểu đoàn trưởng”.
Tôi vào vai là tiểu đoàn trưởng báo cáo kết quả luyện tập lên sở chỉ huy cấp trên. Các khẩu lệnh báo cáo cũng phải được tập luyện nhiều lần và quay nhiều đúp mới thành công. Mọi người khen tôi vào vai khá đạt. Trường SKĐA đã dạy cho tôi biết phải hóa thân vào nhân vật như thế nào, nhưng quả thật để làm một tiểu đoàn trưởng rất khó vì nó cần phải có “chất thép” cần thiết.
Tôi cũng có nghe các anh nói về ảnh hưởng, sóng ra đa, sóng điện từ trên xe điều khiển, qua đó giúp tôi hiểu hơn nhiệm vụ và những cống hiến thầm lặng mà những người lính canh trời đang trải qua. Bằng tâm huyết của mình và sự giúp đỡ nhiệt tình của các đơn vị đã cho chúng tôi những cảnh quay rất ưng ý và có thể nói là mới lạ nhất từ trước tới nay.
Kỷ niệm với người lính thì nhiều, chúng tôi đi đến đâu cũng nhận được tình cảm nồng ấm và thân thiết từ những người lính. Mọi người xem chúng tôi như người nhà, tạo điều kiện để kíp làm chương trình hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nguyễn Thành Trung
Ghi theo lời kể của MC Hoàng Linh