"Một
thầy giáo tốt như một ngọn nến, ngọn nến cháy để soi đường cho những người
khác". Đó là câu danh ngôn nổi tiếng của Mustafa Kernal Ataturk về
nghề giáo.
Nói
đến nghề giáo, người ta thường dùng nhiều mỹ từ, nhưng tâm thức của người Việt
từ xưa đến nay là cụm “tôn sư trọng đạo”. Ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam
có câu: “Không thầy đố mày làm nên”; “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con
hay chữ phải yêu lấy thầy”; “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”... để thấy được vai
trò, tầm quan trọng của việc học, vị thế của người thầy.

Giảng viên: Tiến sĩ Trịnh Lê Anh
Trong
thời đại số 4.0, trải qua đại dịch Covid–19, với 22 năm công tác trong môi trường
giáo dục chuyên nghiệp, tôi chiêm nghiệm mối quan hệ thầy – trò giờ đây đã khác
trước. Trước hết, đó là sự lệ thuộc về mặt tri thức.
Đối
với các cấp bậc như đại học và sau đại học, vai trò của người thầy là sự gợi mở,
hướng dẫn để học trò tự tìm đến cái đích của khoa học, kiến thức, mức độ tự học
được đẩy lên cao. Còn ở cấp bậc dưới, sự phụ thuộc cao hơn, bởi liên quan đến
việc người thầy truyền dạy kiến thức chuẩn chỉ trong sách giáo khoa. Tuy nhiên,
ở cấp trung học phổ thông cũng đang có sự chuyển dịch, để giảm bớt sự phụ thuộc.
Học
trò hiện nay có internet, sách, báo, tài liệu tham khảo đa dạng, đồng nghĩa với
có nhiều "người thầy" hơn. Vai trò “độc tôn” về mặt kiến thức của người
thầy hiện nay không còn tồn tại, các thầy không đơn thuần là chỉ truyền dạy những
kiến thức, người thầy phải dạy được cho học trò phương pháp tư duy, phải liên tục
kết hợp giữa việc dạy và tự học, cập nhập những kiến thức mới, tức là người thầy
phải học nhiều hơn, càng rõ ở những bậc học cao như thạc sĩ, tiến sĩ.
Tuy
nhiên, sự bất lệ thuộc của sinh viên vào người thầy, vô tình tạo ra một áp lực
lớn cho người thầy định vị bản thân và tạo ra giá trị. Từ đó gia tăng sự cạnh
tranh và đào thải nghề nghiệp, mặc dù tình trạng thiếu giáo viên ở mọi cấp học
vẫn là phổ biến! Nếu không đảm nhận tốt vai trò ở thời kỳ 4.0, nôm na là được
nghề "chọn", họ có xu hướng tự bước ra khỏi hệ sinh thái học tập và
giảng dạy. Sự khắt khe này trong khi thu nhập nghề nghiệp chưa thoả đáng trong mặt
bằng chung xã hội thực là một nghịch lý.
Tuy nhiên, tôi cho đây là áp lực lành
mạnh. Không chỉ là câu chuyện học trò có quyền từ chối thầy, mà sâu xa là xã hội
sẽ từ chối những người thầy đó. Quả thực, sự thay đổi lớn của nghề giáo trong định
vị xã hội hiện nay chính ở chỗ này.


MC Lê Anh
Sự
bất lệ thuộc về mặt kiến thức cũng dẫn đến mối quan hệ của thầy trò thay đổi. Cụ
thể, nó giản dị, bớt phân ngôi hơn (ngôi chủ động, bị động, cao, thấp, trên, dưới...).
Dường như quan hệ thầy trò ngày càng đồng đẳng hơn. Đối với những sinh viên trưởng
thành sớm, sau khi ra trường vài năm, các bạn có học vị, sau đó trở thành thầy
cô giáo của những thế hệ mới, thậm chí chỉ hơn học sinh vài tuổi, cho nên sự đồng
đẳng về mặt hình thức như thế này cũng là dễ hiểu.
Chính
vì thế, nhìn sâu một chút, tôi thấy khoảng cách giữa thầy và trò là vấn đề tế
nhị.
Có
quan điểm cởi mở cho rằng, nên xóa nhòa khoảng cách thầy và trò! Điều này thực
ra vẫn đang là một dấu chấm hỏi trong thực hành, liệu "xoá nhoà khoảng
cách" có tốt hay không? Một số người khác lại cho rằng, thầy vẫn phải là
thầy, phải giữ khoảng cách với học trò, để tạo ra áp lực lẫn nhau và duy trì một
môi trường học tập có sự nỗ lực vượt thách thức, chứ không thể xuề xòa “cá mè một
lứa”.
Tôi
cho rằng xóa nhòa khoảng cách thầy - trò không hoàn toàn phù hợp vì học trò cần
được tạo động lực trong việc học tập, đặc biệt là tự học. Cho nên, các em cần
phải chịu áp lực từ thầy cô giáo, chứ không phải là các em tự nhiên đã tích cực
học tập, nhất là ở cấp học thấp.

Nếu muốn tạo áp lực học tập, thầy không phải lúc nào cũng xuề xoà, dễ tính, có đôi khi cần tỏ ra bí hiểm, “áp chế” để học trò phải nể, hoặc học trò cần cảm giác ngại nếu không đạt kết quả mong muốn của cả thầy và trò. Từ đó sự lười biếng của học trò mới có thể bị phá đi, tình trạng tự mãn, tự bằng lòng với thực tại và một vài yếu tố tiêu cực dẫn đến tình trạng học trò không thích học, không chủ động học phần nào được giải quyết!
Qua một thời gian dài, tôi chiêm nghiệm khoảng cách giữa thầy và trò phải tinh tế. Nhiều giáo viên vẫn loay hoay định vị bản thân là gần gũi đến đâu thì đủ, hay có nên gần gũi với sinh viên hay không. Theo tôi, đây cũng là một trong những vấn đề của thời đại cần phải bàn luận, làm sao để có thể định vị được mối quan hệ thầy trò, khoảng cách giữa thầy trò phải nên như nào.
Với thời lượng ít ỏi những buổi lên lớp, ngoài kiến thức chuyên môn, tôi luôn cố gắng chia sẻ với học trò của mình những kỹ năng ứng xử, tình huống giao tiếp. Học sinh - sinh viên hiện đại đang đứng ở ngã ba đường, họ mong muốn chinh phục những thử thách, được thể hiện mình, nhưng họ thường loay hoay về cách làm, không biết phải làm thế nào hoặc dễ làm sai. Vậy nên, người thầy hãy là người chỉ dẫn, để các em tìm ra cho được con đường đi phù hợp nhất.
Nhiều
sinh viên tha thiết hỏi tôi bí quyết để nói tốt, để thành công trước công
chúng, tôi chỉ nói rất giản dị: Các em hãy đọc nhiều hơn! Đọc những thứ kích
thích chúng ta có một suy nghĩ lâu dài, nhận thức được đủ trách nhiệm với chính
mình và xã hội, khi cơ hội sống và cống hiến không bị giới hạn, từ đó chúng ta
mới có thể hội nhập và trở thành một công dân toàn cầu.
MC
Lê Anh