Biên tập viên (BTV) là nghề đặc thù, người “gác cửa” cho bất cứ ấn phẩm nào có thể ra đời. Kể cả các tác giả nổi tiếng nhất, khi sách đã nằm trong quy trình xuất bản đều phải chịu sự xem xét, cắt xén, điều chỉnh của các BTV. Người ký quyết định xuất bản ấn phẩm đương nhiên chỉ duyệt khi đã có đầy đủ chữ ký của các bộ phận, mà đầu tiên là của các BTV.
Danh vị sang trọng
Trong các buổi lễ ra mắt sách mới và trước công chúng, hễ giới thiệu về những người có công góp phần cho cuốn sách ra đời, bao giờ BTV cũng được nhận lời cảm ơn trân trọng nhất từ tác giả hoặc đối tác xuất bản.
Bìa cuốn “Biên niên ký chim vặn dây cót” của Haruki Murakami và bìa cuốn tiểu thuyết “Từ điển Khazar” - những cuốn sách được chuyển ngữ bởi dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng - một trong những biên tập viên kỳ cựu của Công ty Nhã Nam
BTV nhà xuất bản (NXB) có khi là nhà văn hóa lẫy lừng. Một trong những nhà văn hóa lẫy lừng làm BTV đó là ông Nguyễn Hữu Ngọc - giỏi 5 ngoại ngữ và có nhiều năm công tác ở cả trong và ngoài nước với vai trò tổ chức bản thảo cho NXB Thế giới - đã biên tập rất nhiều ấn phẩm thuộc hàng kinh điển. Một số người ngay cả khi đã thành danh vẫn trực tiếp biên tập bản thảo cho lứa đàn em đi sau, như nhà thơ Phạm Sỹ Sáu (NXB Trẻ) chẳng hạn. Đã có quá nhiều ấn phẩm thuộc hàng “ca khó” đến mức tưởng như không thể xuất bản nhưng lại gây ấn tượng mạnh mẽ với bạn đọc sau khi đi qua bàn tay xử lý của nhà văn Tạ Duy Anh, người đã ngồi ở NXB Hội Nhà văn mấy chục năm liền với vai trò biên tập. Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng (thuộc Công ty Văn hóa Truyền thông Nhã Nam) - một trong những dịch giả dịch thành công tác phẩm của Haruki Murakami sang tiếng Việt - cũng là một trong những BTV được tin tưởng bởi vốn ngoại ngữ và kiến thức rộng ở ông nên rất nhiều ấn phẩm đầy tính học thuật và chiều sâu văn hóa ra đời qua tay ông xử lý.
Thế nhưng, BTV dù giỏi đến đâu vẫn không thể nào tránh được vài lần sai sót. Mỗi khi phát hiện ra sự cố đối với ấn phẩm, điều đầu tiên ai cũng hỏi là BTV nào chịu trách nhiệm? Lãnh đạo còn có thể né tránh chứ BTV chính là người làm việc trực tiếp với ấn phẩm không thể nào né tránh trách nhiệm được.
Phận “sống mòn”
Không phải ai cũng biết được rằng mức lương trả cho vị trí BTV của các NXB vô cùng ít ỏi. Sự cay nghiệt của nghề này ở chỗ vị trí BTV chẳng khác nào chuyên viên nên yêu cầu về trình độ, kiến thức, ngoại ngữ thì rất cao nhưng lương cơ bản theo hệ số quy định chỉ có thế. Chẳng ai sống được với đôi ba triệu đồng mỗi tháng, mà mức thu nhập đó có thể sẽ là tương lai lâu dài, thậm chí mãi mãi nếu chấp nhận kiếp “sống mòn” làm BTV ở NXB như hiện nay. Nhưng ngay cả như thế, muốn được chấp nhận cũng không hề dễ dàng vì có rất nhiều người lớn tuổi hơn, nhiều năm kinh nghiệm hơn và vốn văn hóa, tri thức “đầy mình” hơn cũng đang ngồi ở đó, khó mà thế chỗ.
Có cả ngàn nhân sự đã chấp nhận hằng ngày đến NXB chỉ để pha trà, rót nước hoặc góp sức không nhận thù lao biên tập những bản thảo mà sau khi xuất bản chỉ được đề tên các bậc đàn anh hoặc nhận lấy một vài bản thảo dạng “không ai muốn sờ đến” để tập tành xử lý. Tiếng là làm dự án nhưng sách không bao giờ được in thì tất nhiên kế toán cũng chẳng thể duyệt chi công xá gì cho các cộng tác viên kiểu này. Rất nhiều người sau vài năm miệt mài bán sức lao động, đến cả lương cơ bản cũng không được nhận, lại ngậm ngùi rời các NXB.
Muốn lương cao thì phải ứng tuyển làm BTV của các công ty làm sách tư nhân. Muốn nhanh chóng khẳng định năng lực vượt trội cũng phải phấn đấu ở các công ty tư nhân. Dịch giả Cao Việt Dũng nhiều năm liền làm trưởng phòng văn học nước ngoài của Công ty Văn hóa Truyền thông Nhã Nam nhưng với cá tính đặc biệt của người làm công việc dính dáng rất nhiều đến sáng tạo, anh cũng khó lòng yên vị ở một NXB nào. Tương tự, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng cũng có nhiều va chạm mạnh về nghề trước khi lui về làm cho công ty sách tư nhân.
Khi các NXB hầu như bị đẩy lùi về vị trí “ngồi chơi xơi nước” và nhiều NXB quanh năm chỉ làm một việc duy nhất là “bán giấy phép” thì đương nhiên vai trò BTV ở các NXB cũng không còn được xem trọng. NXB vẫn duyệt hồ sơ theo các bước của quy trình, trên tờ giấy phép cũng như trên trang lưu chiểu của ấn phẩm vẫn có tên BTV chịu trách nhiệm nhưng tính chất “gác cửa” cho ấn phẩm đã hầu như không tồn tại vì vai trò đó thực sự đã chuyển giao sang các công ty tư nhân.
Theo: Người lao động