Ông Nguyễn Thanh Tú (Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, bên phải) và bà Nguyễn Thảo (Giám đốc VietSkill phía Nam) trao giải thưởng cho các thí sinh đoạt giải cao
Dưới ánh đèn sân khấu, qua những màn hóa thân chuyên nghiệp, đêm chung kết Cuộc thi tìm kiếm Tài năng MC nhí lần 2 năm 2018 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức với sự đồng hành của Trung tâm Đào tạo MC VietSkill (thuộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Đào tạo Minh Trí TN) diễn ra tối 8-10 đã trở thành đêm hội tụ của những tài năng. Không chỉ thể hiện khả năng đàn ca, nhảy múa, các em còn bộc lộ những hiểu biết về cuộc sống, về khả năng ứng hóa trong tình huống, tạo sự thích thú cho người xem.
Các tiết mục sôi động, hấp dẫn
“Cô bé quàng khăn đỏ” là tiết mục mở màn trong đêm thi chung kết. Câu chuyện cổ tích tưởng chừng quen thuộc nhưng cái tài của “Cô bé quàng khăn đỏ” Nguyễn Hà Phương (lớp 2/2 Trường TH Nguyễn Việt Hồng, Q.3) đã làm mới được những điều rất cũ khi khéo léo lồng ghép bài học giáo dục vào trong tiết mục. Cô bé dân ca Vũ Thị Minh Anh (lớp 2/5 Trường TH Đống Đa, Q.Tân Bình) trong tà áo bà ba xinh đẹp, tóc thắt bím hai bên đượm đà Nam bộ, lại chinh phục khán giả bằng chất giọng mượt mà, giản dị qua câu chuyện “Củ Chi quê ngoại” với vườn cau thơm ngát, làn gió mo cau ngọt lành, những kỷ niệm thời thơ ấu mà không phải bạn nhỏ nào cũng may mắn có được. Chưa dứt âm hưởng của dân ca, cả khán phòng lại nín thở với màn “đấu võ” đầy kịch tính của cô cảnh sát cơ động Nguyễn Minh Hạnh (lớp 4/2 Trường TH Hồng Hà, Q.Bình Thạnh), hay vỡ òa cùng những tràng cười thích thú trước sự dí dỏm, thông minh của Thân Phước Phú (lớp 3A Trường TH Nguyễn Thiện Thuật, Q.3) trong vai một anh chàng Quảng Nam hát “Tình anh xứ Quảng” ngọt lịm cùng nỗi nhớ quê da diết.
Phạm Ngọc Minh Anh (lớp 1/5 Trường TH Bành Văn Trân, Q.Tân Bình) là thí sinh nhỏ tuổi nhất của đêm chung kết. Nếu như ở vòng bán kết, cô bé chinh phục Ban giám khảo bằng vũ điệu dancesport điêu luyện thì tại đêm thi chung kết, màn hóa thân thành nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp đã giúp Minh Anh “ăn điểm”. Gương mặt sáng cùng sự tự tin là điểm mạnh của nữ tiếp viên hàng không nhí.
Những màn “lội ngược dòng” ngoạn mục
Đêm thi chung kết chứng kiến những màn “lội ngược dòng” ngoạn mục của top 5 chung cuộc. Nguyễn Cao Tuấn Vinh (lớp 3/2 Trường TH Bành Văn Trân, Q.Tân Bình) là thí sinh sớm ghi điểm với Ban giám khảo bằng tài ăn nói trôi chảy. Ở vòng bán kết, Vinh mơ được làm một nghệ sĩ piano chuyên nghiệp để… phiêu cùng những phím đàn. Tại vòng chung kết, vẫn là “Hành trình tìm kiếm ước mơ”, vẫn với cây đàn ghi-ta thanh trầm thanh bổng nhưng giờ đây, với Vinh đó lại là những trải nghiệm đầy thú vị, được gắn âm thanh cùng với những bước nhảy.
“Cô bé quàng khăn đỏ” Nguyễn Hà Phương tương tác với Ban giám khảo
Không sặc sỡ, màu mè, chỉ đơn giản là kể lại tình yêu nồng nàn dành cho mẹ nhưng cô bé Sim Bo Min (lớp 4/1 Trường TH Hồng Hà, Q.Bình Thạnh) lại khiến khán phòng lặng đi. Tiết mục của Sim Bo Min được coi là một trong những tiết mục xuất sắc nhất, “đánh gục” cả Ban giám khảo và người xem bởi chính sự chân thành, mộc mạc. Cũng là một trong những tiết mục ấn tượng, Hồ Phương Minh (lớp 4A Trường TH Nguyễn Thái Sơn, Q.3) đã kể lại cuộc đời thương cảm của cô bé mồ côi bán vé số với những ước mơ rất thường nhật là có ba, có mẹ. Chính sự hóa thân nhập tâm, Minh đã làm tròn vai diễn, đưa thông điệp “hãy yêu thương ba mẹ thật nhiều hơn nữa” đến các bạn nhỏ.
Có sở thích về nấu ăn, luôn mong muốn được nấu thật nhiều món ngon cho ba mẹ, tại vòng bán kết, cô đầu bếp Phạm Phương Nghi (lớp 4/11 Trường TH Bành Văn Trân, Q.Tân Bình) “chiêu đãi” cả khán phòng món bánh caret quen thuộc. Vẫn là các món ăn nhưng ở vòng chung kết, Phương Nghi đã khiến Ban giám khảo và khán giả thích thú trước sự hiểu biết sâu rộng của mình về các món ăn.
Trong khi đó, cô hướng dẫn viên du lịch Trần Thiên Thanh (lớp 5/2 Trường TH Nguyễn Huệ, Q.1) đã đưa cả khán phòng “chu du” đi thăm TP.HCM xinh đẹp, có chợ Bến Thành, có Bến Nhà Rồng…, và có cô Ba Sài Gòn trong tà áo dài truyền thống. Thiên Thanh gây ấn tượng mạnh bởi sự chuyên nghiệp trong vai trò hướng dẫn viên, hài hước và khéo léo.
Làm khó Ban giám khảo
Trước sự ngang sức ngang tài đầy duyên dáng, đáng yêu của các thí sinh, Ban giám khảo rất vất vả trong việc cân-đo-đong-đếm để tìm ra 5 thí sinh xuất sắc bước vào vòng thi cuối cùng. Theo bà Nguyễn Thảo (Giám đốc VietSkill phía Nam, giám khảo chuyên môn của cuộc thi), dù thời gian chuẩn bị rất ít ỏi nhưng tất cả các thí sinh đã thể hiện phần thi của mình rất tốt. Và điều tuyệt vời nhất là các em đã vượt lên chính mình, đưa mỗi phần thi trở thành một phần thể hiện, biểu diễn, là món quà gửi đến thầy cô, ba mẹ và bạn bè.
Tiết mục biểu diễn của Quán quân cuộc thi Nguyễn Cao Tuấn Vinh tại đêm thi chung kết
Bằng sự thông minh khi ứng biến tương tác cùng Ban giám khảo, thí sinh Nguyễn Cao Tuấn Vinh xuất sắc giành ngôi Quán quân cuộc thi với tổng giải thưởng gần 300 triệu đồng; hạng nhì là thí sinh Sim Bo Min; đồng hạng ba là các thí sinh: Phạm Phương Nghi, Hồ Phương Minh và Trần Thiên Thanh. Ngoài ra, ban tổ chức còn trao 2 giải phụ cho thí sinh Phạm Ngọc Minh Anh (thí sinh triển vọng) và thí sinh Thân Phước Phú (thí sinh ấn tượng nhất).
|
Từng đồng hành với các chương trình thiếu nhi, ca sĩ, diễn viên Nam Cường (giám khảo chuyên môn của cuộc thi) cho biết anh cực kỳ ấn tượng trước sự tự tin, dạn dĩ và vô cùng đáng yêu của các thí sinh. Đồng thời anh cảm thấy rất vất vả để “chắt lọc” ra các thí sinh tài năng. “Mỗi em là một màu sắc khác nhau nhưng trong đêm nay, em nào cũng là ngôi sao thực thụ”, ca sĩ Nam Cường chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Tú (Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi) cho biết trong cuộc thi này kết quả không quan trọng, mà quan trọng là các thí sinh đã mạnh dạn vượt lên chính mình, trang bị thêm cho bản thân những kỹ năng bổ ích, mở ra cho bản thân những cánh cửa nghề nghiệp khác nhau trong tương lai.
Q.Long