Bà Nguyên Thảo - thành viên Ban giám khảo chia sẻ với thí sinh Trường TH Bành Văn Trân
Vẫn hồn nhiên, trong sáng đúng với lứa tuổi tiểu học, nhưng trên hết, những MC nhí đã tự tin hóa thân vào ước mơ của mình, khéo léo dùng ngay tài năng để thể hiện ước mơ đó.
Mỗi thí sinh là một sắc màu
Trong vai trò giám khảo cuộc thi tại Trường TH Trần Quốc Thảo (Q.3), MC Bá Tăng Minh Hiếu cho hay chỉ trong khoảng 2 giờ đồng hồ, các thí sinh đã đưa anh đi hết từ cảm xúc này đến cung bậc kia. Anh gần như “đứng hình” trước màn hóa thân thành MC Trấn Thành, MC Đại Nghĩa của các thí sinh. Ngạc nhiên hoàn toàn trước sự “lột xác” của chất lượng thí sinh năm nay. “Mặc dù hóa thân thành những MC nổi tiếng nhưng các em lại thoát ra khỏi khuôn mẫu, không bắt chước mà thể hiện chất hồn nhiên, thân thiện của mình, đánh gục hoàn toàn ban giám khảo”, MC Minh Hiếu dí dỏm nói.
Theo MC Minh Hiếu, năm nay các thí sinh chia làm 2 mảng màu rõ rệt. Khi trình bày chủ đề “Ước mơ của bé”, bên cạnh một số em chưa thoát ra khỏi khuôn mẫu làm văn, học thuộc lòng kiểu “ai trong đời cũng có một ước mơ” thì phần nhiều các em đã định hình được phong cách riêng, có sự đầu tư trang phục, bạn diễn và câu từ sâu sắc. “Nếu như năm trước các em thiên về nói nhiều thì năm nay, các em không chỉ nói mà còn có chất riêng, mỗi em là một sắc màu riêng biệt, càng “làm khó” ban giám khảo trong việc chọn lựa”, MC Minh Hiếu nói.
Tại Trường TH Bành Văn Trân (Q.Tân Bình), vòng sơ loại đã diễn ra không khác gì ngày hội. Các MC nhí chỉn chu từ trang phục đến phong thái, đĩnh đạc trình diễn trên sân khấu từ múa, hát, nhảy đến thuyết trình. Cả khán phòng xập xình trước ước mơ trở thành diễn viên múa của Trần Tường Vy (lớp 4/13) bằng phần thể hiện bài nhảy hiện đại đầy khỏe khoắn, dẻo dai. Hay mãn nhãn trước những động tác uyển chuyển, nhịp nhàng của thí sinh Kiều Anh (lớp 3/8). Phần trình diễn của MC nhí Phạm Trà Giang (lớp 3/8) lại khiến ban giám khảo lẫn cổ động viên phải xuýt xoa. Từng lọt vào vòng chung kết cuộc thi năm trước, năm nay Trà Giang thể hiện phần thi của mình có phần “già dặn và tự tin hơn” với ước mơ trở thành đầu bếp giỏi để được hiểu thêm và yêu tâm hồn người Việt trong từng món ăn tinh túy. Cô bé bật mí, nếu được đi tiếp vào vòng chung kết sẽ mang cải lương đến chinh phục khán giả.
Không chỉ là “khơi nguồn ước mơ”
Là trường đồng hành cùng cuộc thi từ mùa đầu tiên (năm 2017), thầy Phạm Thanh Dũng (Phó Hiệu trưởng Trường TH Bành Văn Trân) phấn khởi cho biết qua một năm, học sinh trong trường gần như đã thay đổi rất nhiều. Các em tự tin hơn, mạnh dạn hơn trong các hoạt động của lớp, những buổi sinh hoạt Đội. Thậm chí, ngay cả trong việc học, mỗi giờ học các em cũng tích cực hơn, tự tin thể hiện bản thân.
“Cuộc thi có ý nghĩa cao về giáo dục, tạo ra sân chơi bổ ích như một hoạt động ngoài giờ lên lớp vậy. Qua đó giúp các em năng động hơn và bước đầu xác định được ước mơ tương lai của mình. Không chỉ là khơi nguồn nên ước mơ mà xa hơn là tự các em còn xây dựng kế hoạch thực hiện ước mơ đó, bắt đầu ngay từ việc cố gắng học thật giỏi”, thầy Dũng nhận định.
MC Bá Tăng Minh Hiếu trao đổi với một thí sinh của Trường TH Trần Quốc Thảo
Lần đầu tiên cho con tham gia cuộc thi, chị Hoàng Hoa (phụ huynh một thí sinh Trường TH Trần Quốc Thảo) cho biết không quan trọng là con có được giải hay không, đi được bao xa, mà quan trọng là cuộc thi đã “trao quyền” cho trẻ, để trẻ cảm thấy được trân trọng, được nói lên ước mơ của mình. Khi trẻ hình thành ước mơ, trẻ sẽ tự biết mình phải làm gì để thực hiện. Đó mới là điều quan trọng!
Trưởng thành từ cuộc thi lần 1 với danh hiệu á quân, Lâm Nguyễn Ái My đã được học tập và rèn luyện tại Sân khấu kịch Quốc Thảo và vừa xuất sắc đoạt giải quán quân Thiếu lâm tứ trụ nhí 2018 do Đài Truyền hình Vĩnh Long tổ chức. Chị Phương Lê (mẹ của Ái My) cho biết: “Tôi cảm ơn cuộc thi rất nhiều khi đã mở ra cho cháu “một thế giới đầy mới mẻ”. Từ một cô bé nhút nhát, cháu đã tự tin hơn, giao tiếp lưu loát hơn. Đặc biệt, với việc học, nhất là việc làm văn của cháu đã tiến bộ hơn rất nhiều khi diễn đạt rất tốt. Cuộc thi là một sân chơi bổ ích, không chỉ ươm mầm tài năng nhí mà còn trang bị cho các cháu kỹ năng giao tiếp, hình thành sự tự tin, giúp các cháu phát triển trong tương lai”.
Theo bà Nguyên Thảo (Giám đốc sản xuất Sân khấu kịch Quốc Thảo, đại diện VietSkill khu vực phía Nam - đơn vị đồng hành cùng cuộc thi), cuộc thi không phải hướng các em vào nghệ thuật mà trên hết là rèn các em kỹ năng giao tiếp để phát triển bản thân. Bất cứ ước mơ nào các em cũng cần phải có khả năng giao tiếp tốt. Chỉ khi làm chủ được bản thân mình, làm chủ được lời ăn tiếng nói của mình, các em mới làm chủ được cuộc sống.