Mai Thanh Hồng sinh năm
1983, tốt nghiệp Học viện Báo chí tuyên truyền, học thạc sĩ tại Đại học quốc
gia Hà Nội. Hiện chị đang là giảng viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW,
có kinh nghiệm 14 năm giảng dạy.
“Cũng là giáo viên nhưng
trở thành giáo viên dạy chữa ngọng đã cho tôi những cảm xúc và nảy nở một tình
yêu mới với lĩnh vực giảng dạy” - chị Mai Thanh Hồng chia sẻ.
Xuất phát từ việc con
trai bị ngọng, chị Mai Thanh Hồng đã tham khảo rất nhiều nơi, xem và học tập
theo các video trên mạng để hướng dẫn cho con. Tuy nhiên, chị thấy rằng, nếu chỉ
học theo cách lượm lặt các phương pháp trên mạng sẽ có thể dạy sai cho con.
Chị cũng nhận thấy sửa ngọng
vô cùng gian nan, nên nếu bản thân biết phương pháp sửa và đồng hành cùng con sẽ
tiết kiệm được thời gian và tăng tính thực hành liên tục.
Chị Mai Thanh Hồng là
giáo viên đã 14 năm.
Được người quen giới thiệu,
chị Hồng biết đến Trung tâm Đào tạo Vietskill với khóa đào tạo giáo viên dạy chữa
ngọng. Phương pháp chữa ngọng cho mọi lứa tuổi do Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai
nghiên cứu và trực tiếp đưa vào giảng dạy gần 13 năm giúp sửa tiếng nói thành
công cho hàng nghìn học viên.
Theo học lớp đào tạo giáo
viên chữa ngọng, chị Mai Thanh Hồng sửa ngọng thành công cho cậu học trò đầu
tiên - con trai của mình. “Càng dạy càng thích, càng giúp đỡ cho nhiều bạn nhỏ
khỏi nói ngọng tôi như càng say nghề và gắn bó từ lúc nào không hay” - chị Mai
Thanh Hồng chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp khoá
đào tạo phương pháp, chị Mai Thanh Hồng còn tham dự rất nhiều các buổi dạy thực
tế tại trung tâm từ các chuyên gia, giảng viên lâu năm để có thêm kinh nghiệm.
Với chuyên môn vững vàng
và kỹ năng sư phạm lâu năm. Chị trở thành giảng viên chữa ngọng tại Vietskill
thấm thoắt đã hơn 2 năm. Chị Mai Thanh Hồng sửa thành công cho rất nhiều trường
hợp nói ngọng, nói giọng địa phương hoặc có khiếm khuyết về cơ quan phát âm.
Tình yêu thương trẻ khiến
chị Mai Thanh Hồng thêm yêu nghề chữa ngọng.
Chị Mai Thanh Hồng kể:
“Tôi rất nhớ trường hợp bạn học viên của tôi 15 tuổi, lỗi ngọng của con không
quá nặng nhưng cơ hàm cứng. Mẹ của học viên chia sẻ, trước đó con rất hoạt bát,
là cậu bé nhanh nhảu. Con chỉ nói ngọng một vài lỗi nhưng gia đình nghĩ lớn lên
con sẽ tự khỏi nên không mấy quan tâm.
Sau này càng lớn lỗi ngọng
càng không thuyên giảm, điều đáng buồn hơn là con nói ngọng nên hay bị trêu
đùa, ảnh hưởng đến tâm lý, con thu mình và ngại giao tiếp với mọi người. Con học
khá nhưng cũng không bao giờ muốn phát biểu, trình bày.
Thật tâm tôi có trách ba
mẹ, trách vì ba mẹ đã bỏ qua thời điểm vàng chữa ngọng cho con, trách vì ba mẹ
phó mặc con cho suy nghĩ “lớn lên con tự khỏi”. Nhưng tôi thương rất nhiều cậu
học trò 15 tuổi của tôi. Vì con có thể phát triển rất tốt nếu không bị cản trở
bởi một vài lỗi ngọng”.
Theo chị Mai Thanh Hồng,
dạy chữa ngọng, thương phải nhiều hơn “trách”
“30 buổi học liên tục,
phá khẩu hình, sửa tiếng nói, có những lúc học trò mỏi nhừ cơ hàm không muốn thực
hành theo. Nhưng bằng sự động viên và nỗ lực của cả 2 cô trò, cậu bé tiến bộ rõ
rệt, phát âm chuẩn, rồi khỏi ngọng hoàn toàn. Và hơn hết, trong cậu học trò có
sự tự tin và mạnh dạn hơn rất nhiều” - chị Mai Thanh Hồng chia sẻ.
Chị Mai Thanh Hồng quan
niệm: “Chữa ngọng giống như là một bác sĩ tiếng nói, cũng có quy trình bắt bệnh
- kiểm tra tiếng nói đầu vào - lên phác đồ điều trị - lên lộ trình học phù hợp
cho mỗi bạn - dùng thuốc - đi vào sửa từng lỗi cho học viên. Bước nào cũng quan
trọng, bước nào cũng cần người giáo viên có chuyên môn và tận tâm”.
Theo Báo Giáo dục & Thời đại