Trở thành đầu bếp, người
thử món ăn, xe ôm, nghệ sĩ xiếc đường phố, khám phá những vùng đất lạ khắp mọi
miền Tổ quốc, nếm trải cảm giác nghề nghiệp của hàng trăm người…, nghệ sĩ Hoài
Linh (chương trình Tiếu lâm bách nghệ), MC Tùng Leo (chương trình Yan Around),
Vũ Thái Dũng (chương trình S-Việt Nam - Hương vị cuộc sống) đã có những khoảnh
khắc hóa thân nhớ mãi.
Khoảnh khắc hóa thân
Nghệ
sĩ Hoài Linh - Chương trình Tiếu lâm bách nghệ.
Suốt hơn một năm lăn lộn khắp
các nẻo đường, “hành” đủ thứ nghề từ chạy xe ôm đến cắt tóc, nặn tò he, nghệ sĩ
hài Hoài Linh chia sẻ: “Tôi không nghĩ rằng mình học được nhiều điều như vậy
khi bắt đầu thực hiện chương trình Tiếu lâm bách nghệ. Có những thứ mình tưởng
“bình thường thôi” nhưng không phải vậy. Có nhiều nghề nghiệp mà trước đây tôi
chưa từng biết tới. Trong số đó nhiều nghề không đem lại nhiều tiền bạc nhưng
cho người làm cảm giác rất dễ chịu, rất nghệ sĩ và có thể cho họ sống một cuộc
đời rất vui vẻ, thoải mái”.
Đã có hàng trăm cuộc gặp
gỡ hóa thân thú vị với người nghệ sĩ này. Anh giờ đã biết làm tò he, hớt tóc
dạo, bán bong bóng, bán hủ tiếu gõ, bán kẹo kéo: “Những nghề này không chỉ cần
bán món đồ tốt, ngon mà còn phải có cái gì đó đặc biệt hơn: sức hút của người
bán hàng. Làm tò he thì phải khéo tay, biết phối màu, muốn bán đắt phải biết dụ
con nít nữa, cho tụi nó vui thì tụi nó khoái mới kêu ba mẹ mua. Hớt tóc dạo
ngoài hớt cho đẹp cũng phải có duyên ăn nói người ta mới thích mình, nhớ mình
mà kêu mình hoài. Còn bán kẹo kéo thì khỏi nói rồi, im im ai mua… Tôi thấy cái
“tính nghệ sĩ” trong mấy nghề này nhiều lắm, mà phải nghệ sĩ kiểu tự nhiên chứ
không phải làm dáng”.
Vũ
Thái Dũng - Chương trình S-Việt Nam - Hương vị cuộc sống.
Với chàng “mắt tít” Vũ
Thái Dũng, người dẫn chương trình S-Việt Nam, khán giả rất thú vị khi đồng hành
cùng anh học nấu và nếm thử các món ăn độc đáo, nghe anh phân tích các nét đẹp
trong văn hóa ẩm thực vùng miền nhưng ít ai biết “nghề thật” của anh là một
chuyên gia tiếp thị. Khi làm người trải nghiệm của chương trình, Thái Dũng đã
chọn một phong cách thật gần gũi, bình dị và cố gắng làm sao để khán giả xem
anh học nấu, nếm và ăn món ăn qua truyền hình phải có cảm giác ngon như anh
đang ăn vậy.
Kỷ niệm “nhớ đời” của
anh chàng này là lần phải leo lên cây dừa: “Tôi không nghĩ leo lên cây dừa lại
khó khăn đến như vậy. Leo mãi mà chẳng lên được, cuối cùng phải dùng thang. Có
thang rồi, đứng trên ngọn dừa cũng rất run vì gió cứ thổi phần phật, bẹ dừa
không chắc chắn gì hết, tôi cứ sợ mình rơi xuống đất thì… Cảm xúc sợ hãi đó rất
thật và không hề diễn tí nào cả”.
Tùng
Leo - Chương trình Yan Around.
Tùng Leo (chương trình
Yan Around) cũng có những kỷ niệm đáng nhớ với việc làm người dẫn trải nghiệm
cho hai mùa thực hiện. Mùa đầu tiên, Tùng có nhiều ấn tượng về Sài Gòn - thành
phố nơi anh đang công tác. Những con phố, ngõ hẻm, những nghề nghiệp đến địa
chỉ văn hóa, du lịch được tái khám phá. Đó là một “Sài Gòn muôn màu” mà không
ít người đang sống tại đây cũng không hề biết đến: “Sài Gòn cà phê, Sài Gòn
kem, Sài Gòn mê thể dục thể thao”. Sang mùa thứ hai, Tùng Leo đã cùng hai người
dẫn trải nghiệm khác đến các vùng đất trên cả nước để “một vòng khám phá” những
nét đẹp về văn hóa, du lịch, ẩm thực của các nơi này trong mắt những người trẻ.
Không “cười duyên dáng,
nói trơn tru”
Điểm chung của những
người dẫn chương trình theo kiểu nhân vật trải nghiệm là họ đều không “cười
duyên dáng, nói trơn tru, đeo cà vạt” như dẫn các chương trình bình thường
khác, mà phải trực tiếp có những trải nghiệm như các nhân vật của mình, cùng
nếm, cùng thử, cùng cực khổ.
Vũ Thái Dũng, khi dẫn
chương trình Fine Cuisine, hơi gầy và dẫn tiếng Anh hơi “điệu” thì nay với
S-Việt Nam, anh đã chững chạc hơn nhiều, chân thành và mạnh mẽ, phóng khoáng,
thật sự hòa nhập vào cuộc sống văn hóa, ẩm thực của các vùng miền nơi chương
trình đặt chân đến. Có những tháng Thái Dũng chỉ ở nhà bốn ngày, còn lại là
rong ruổi trên đường trường. Chỉ có năm phút mỗi ngày nhưng các MC trải nghiệm
này phải vất vả rất nhiều trên “trường quay thực tế” mới có thể chắt lọc những
hình ảnh hay nhất, đẹp nhất về Việt Nam cho khán giả.
Tùng Leo kể lại trải
nghiệm “thương đau” của mình: “Sau mấy ngày liền phơi người trong cái nắng,
gió, cát của Phan Thiết cùng êkip thực hiện Yan Around, tôi ấn tượng nhất là
chuyến hành trình hơn bảy giờ lênh đênh trên tàu đánh cá cả đi và về. Về đến
gần đất liền thì tàu bị mắc cạn và toàn bộ đoàn phải nhảy xuống nước lao vào
bờ, tất cả máy móc thiết bị đều đội trên đầu như đi hành quân! Ấn tượng thứ nhì
là “chuyến xe bão táp” từ Phan Thiết về Sài Gòn, xe bị nổ lốp mà bác tài lại
không chuẩn bị trước đồ nghề thay bánh xe, thế nên cả đoàn cũng lê lết dữ dội
lắm, ai cũng mệt đừ. Êkip đã “cày” liên tục trong mấy ngày, từ 4g sáng hôm
trước đến 2g sáng hôm sau”.
Từ những buổi đi chân
đất, dầm mưa dãi nắng, nghệ sĩ hài Hoài Linh chiêm nghiệm nhiều điều mà có lẽ
chỉ có trải nghiệm thực tế mới giúp anh có cái nhìn sâu sắc và thông cảm đến
vậy: “Có nhiều nghề nghiệp sắp “tuyệt chủng”, ít khách hàng, ít tiền nhưng
người ta vẫn làm, vì niềm vui hay vì cái gì đó tôi không biết. Kiểu như nghề
viết thư tay, viết đơn của ông cụ ở Bưu điện TP.HCM. Tôi thấy nể ông cụ đó, ông
cụ là nét đẹp kiểu như trong bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên vậy. Tôi từng đi
theo các nghệ sĩ ảo thuật dạo, xiếc dạo, kéo đàn dạo thấy họ yêu nghề kinh
khủng. Không dễ kiếm tiền đâu nhưng làm là vui, họ hay nói với tôi là bữa nào
không đi “làm” là bứt rứt, dù có bữa không có đồng nào. Họ là nghệ sĩ thật sự.
Người nghệ sĩ thật sự không có khán giả, không được sống với đam mê và
nhiệt tình của mình thì không chịu nổi. Tôi thấy đó là điều nhiều người mang
danh nghệ sĩ phải học theo, vì nhiều lúc làm nghề lâu quá thành ra làm theo
quán tính, không còn mê say nữa”.
Nguồn:tuoitre.vn