Hotline Vietskill (cơ sở Tp. Hà Nội)
0912 354 699
vietskill.mc@gmail.com
Hotline Vietskill 2 (cơ sở Tp. Hà Nội)
0971 188 468
mc.vietskill@gmail.com
Tạ Huyền (cơ sở Tp. Hà Nội)
0975 152 705
tathihuyen95@gmail.com
Nguyễn Thanh Mai (cơ sở Tp. Hà Nội)
0984 888 884
thanhmai@vietskill.com.vn
Phạm Luân (Cơ sở TP Hà Nội)
0823 462 721
luanphamrvg@gmail.com
Minh Khuê (Truyền thông, tài trợ)
037 987 8386
khuedo35@gmail.com
Ngọc Lan (cơ sở Tp. HCM)
0906 994 331
vietskillhcm@gmail.com
Thi Thảo (cơ sở Tp. HCM)
0912 888 129
thithao.salata@gmail.com
LINK LIÊN KẾT
Tin tức Vietskill
QUẢNG CÁO

Giải pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam

Ngày đăng: 06/05/2016 (Lượt xem: 622)
Văn hoá doanh nghiệp đang được xem là một loại tài sản vô hình. Loại tài sản này có thể giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nếu không biết phát huy thì nó sẽ đưa doanh nghiệp nhanh chóng đến chỗ phá sản. Vậy văn hoá doanh nghiệp là gì và cần làm gì để nhận biết cũng như phát huy hiệu quả của nó... đang là những vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp hiện nay.

Nhận diện văn hóa doanh nghiệp

Khái niệm về văn hoá doanh nghiệp (DN) đã được đưa ra luận bàn từ lâu trên thế giới song cho đến nay vẫn còn khá nhiều cách hiểu khác nhau. Có quan điểm cho rằng, văn hoá DN là văn hoá của một tổ chức, vì vậy nó không đơn thuần là văn hoá giao tiếp hay văn hoá kinh doanh. Nó là giá trị, niềm tin, chuẩn mực được thể hiện trong thực tế và trong các hành vi mỗi thành viên DN. Bằng những quan niệm khác nhau mà người ta ứng xử nó cũng khác nhau trong chính mỗi DN. Cũng có quan điểm cho rằng, văn hóa DN thể hiện thông qua suy nghĩ, hành vi ứng xử, thói quen của những con người trong tổ chức chứ không phải những điều khắc ghi trên giấy…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet


Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên viết: Văn hoá DN là toàn bộ các giá trị văn hoá được gây dựng nên trong suốt quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của mỗi DN trong môi trường chung, đó là những quan niệm, tập quán, truyền thống của dân tộc, tác động của môi trường tới hoạt động của DN, tác động này chi phối tình cảm, lý trí, cách suy nghĩ và hành vi ứng xử của mỗi thành viên trong DN và trong cộng đồng DN với người sử dụng sản phẩm của DN.

Văn hoá DN còn được coi là nền tảng để phát triển DN, được cấu thành bởi mục đích kinh doanh và phương pháp kinh doanh. Là tổng hoà các quan niệm về giá trị được tạo ra từ đạo đức, ý tưởng kinh doanh, triết lý kinh doanh, mục đích kinh doanh, phương pháp kinh doanh và hiệu quả phục vụ cho chính những con người cần cù lao động sáng tạo để tạo ra ngày càng nhiều của cải vật chất cho xã hội… Dù có diễn giải thế nào thì văn hoá DN vẫn phải dựa trên cơ sở là cách thức ứng xử của mỗi thành viên trong DN mà biểu hiện của nó là các hành vi quản lý lao động, sáng tạo lao động và các hoạt động của DN phải phù hợp với các quy định của pháp luật trong mặt bằng chung và của hiệp hội ngành nghề nói riêng.

Kinh nghiệm xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Nghiên cứu tại một số nước tiên tiến trên thế giới cũng cho thấy, hầu hết các DN thành công trên thế giới đều duy trì, gìn giữ nếp văn hoá DN của mình thành nếp sinh hoạt truyền thống để giáo dục cho cán bộ, công nhân, người lao động của DN đó. Đi sâu nghiên cứu văn hóa của các DN Nhật Bản bài viết rút ra được nhiều bài học quý báu cho quá trình xây dựng văn hóa DN Việt Nam. Trong đó, có thể tóm lại một số nét độc đáo của văn hóa DN Nhật Bản như sau:

Về triết lý kinh doanh: Phần lớn các DN Nhật Bản hiện nay đều có triết lý kinh doanh. Triết lý kinh doanh có ý nghĩa giúp cho nhân viên công ty có thể trả lời cho các câu hỏi quan trọng: “Công ty này tồn tại vì cái gì? Tiến hành công việc kinh doanh này với mục đích gì và theo cách nào?”. Thông qua triết lý kinh doanh, các DN Nhật Bản truyền tải và tôn vinh các giá trị chủ đạo xác định nền tảng cho sự phát triển, gắn kết mọi người và làm cho khách hàng biết đến DN. Triết lý kinh doanh của các DN Nhật Bản luôn đi kèm với quan niệm phát triển DN không chỉ vì lợi nhuận mà còn vì phục vụ con người, phát triển đất nước.

Theo quan niệm của người Nhật: “Trong bất kỳ ai cũng đồng thời tồn tại cả mặt tốt lẫn mặt xấu, tài năng dù ít nhưng đều ở đâu đó trong mỗi cái đầu, khả năng dù nhỏ nhưng đều nằm trong mỗi bàn tay, cái tâm có thể còn hạn hẹp nhưng đều ẩn trong mỗi trái tim, nhiều khi còn ở dạng tiềm ẩn, hoặc do những cản trở khách quan hay chủ quan. Vấn đề là gọi thành tên, định vị nó bằng các chuẩn mực của tổ chức, tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi, thúc đẩy bằng đào tạo, sẵn sàng cho mọi người tham gia vào việc ra quyết định theo nhóm hoặc từ dưới lên”. Chính quan niệm này đã khiến cho các DN Nhật Bản rất quan tâm đến con người, xem công tác đào tạo và phát triển nhân viên là đầu tư chứ không phải chi phí, từ đó đề ra được nhiều giải pháp phát huy tính tích cực, sáng tạo của nhân viên.

Còn tại Mỹ và các nước phương Tây, việc quyết định số phận của một DN là các cổ đông. Cổ đông lại luôn yêu cầu nhà quản lý phải nâng cao lợi nhuận của DN thông qua việc nâng cao chỉ số cổ tức. Vì mục đích lợi nhuận được đặt lên hàng đầu nên văn hóa DN được đặt sang hàng thứ yếu, và vì vậy ngày càng xuất hiện nhiều người bị thất nghiệp do không có công việc làm. Đây là mặt trái, nhưng qua đó cũng cho thấy, người lao động dù bất cứ ở lĩnh vực nào cũng phải luôn cố gắng, tự nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề để đảm bảo có công ăn việc làm, đảm bảo cuộc sống cho cá nhân, gia đình.

Tóm lại, khi bàn về vận dụng văn hoá DN như thế nào tức là chúng ta phải giải bài toán mối quan hệ của cá nhân với cá nhân, cá nhân với lãnh đạo, cá nhân với DN, DN trong nước với DN trong nước, DN trong nước với DN nước ngoài… trên nền tảng lợi ích và mục tiêu, quyền lợi và trách nhiệm…

Giải pháp xây dựng và phát huy văn hoá doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn hiện nay

Để có được văn hoá DN thời hội nhập theo đúng nghĩa, thì trách nhiệm của từng cá nhân và lãnh đạo DN Việt Nam là phải chủ động tìm hiểu các quy định của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh; Tìm hiểu kinh nghiệm ứng xử khi có các sự kiện tranh chấp thương mại; Nghiên cứu, cập nhật thông tin kinh doanh, bám sát thị trường để ra các quyết định hợp lý, nhằm đem lại lợi nhuận ngày một cao.

Một là, tạo môi trường thuận lợi cho văn hoá kinh doanh Việt Nam hình thành và phát triển. Trước hết, cần tạo dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Thể chế kinh tế là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến văn hoá DN. Văn hoá kinh doanh không thể được phát huy một cách có hiệu quả dưới thể chế kinh tế tập trung, bao cấp. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục hoàn chỉnh thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần đẩy mạnh thực hiện nghiêm chỉnh, hiệu quả luật sở hữu trí tuệ, luật bảo hộ thương hiệu, trợ giúp các DN đăng ký bảo hộ thương hiệu trong và ngoài nước. Hoàn thiện và quản lý nghiêm ngặt việc thực thi luật bảo hiểm xã hội, luật lao động để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, khuyến khích các DN nâng cao ý thức tôn trọng và bảo vệ người lao động của mình.

Hai là, Nhà nước cần khuyến khích hình thành và phát triển các trung tâm tư vấn về văn hóa DN như cấp giấy phép hoạt động nhanh, không thu hoặc thu thuế thu nhập thấp trong một số năm nhất định… Bên cạnh giải cúp vàng doanh nhân văn hóa, Nhà nước cần có thêm giải DN văn hóa để khuyến khích, động viên và tôn vinh các DN đầu tư xây dựng văn hóa mạnh, làm tấm gương cho các DN khác học hỏi.

Ba là, các hiệp hội ngành nghề hỗ trợ các DN tăng cường nhận thức về văn hóa DN và văn hóa kinh doanh bằng các hoạt động cụ thể như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các hội thảo, các chương trình đào tạo, tham quan học hỏi hoặc cấp các dự án cấp bộ về vấn đề văn hóa kinh doanh và văn hóa DN.

Bốn là, xây dựng chiến lược đầu tư cho con người để phát huy tài năng và sức sáng tạo lao động của mỗi cá nhân trong DN qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Năm là, tích cực tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật và kiến thức chuyên ngành cho tất cả mọi thành viên trong DN.

Sáu là, tổ chức các cuộc thi, giao lưu văn hoá và tìm hiểu biết pháp luật giữa các thành viên của các DN.

Tài liệu tham khảo:

1. PGS.,TS. Dương Thị Liễu (2009), Văn hóa kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân;

2. PGS.,TS. Nguyễn Mạnh Quân (2007), Giáo trình đạo đức kinh doanh và văn hóa công ty, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân;

3. PGS.,TS. Trần Ngọc Thêm (1999), Giáo trình Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dục.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 3/2016