Xoay quanh Dự án xây dựng cáp treo vào hàng Sơn Đoòng, phóng viên Văn hóa và doanh nhân đã có cuộc trao đổi với MC Trịnh Lê Anh, thạc sĩ, nguyên Phó trưởng Khoa Du lịch trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn và cũng là truyền hình nổi tiếng về vấn đề này.
Ông có quan điểm như thế nào về việc UBND tỉnh Quảng Bình cho phép tập đoàn Sun Group tiến hành khảo sát việc xây dựng tuyến cáp treo qua hang động Sơn Đoòng?
Khai thác các di sản thiên nhiên hay di sản văn hóa là một việc làm tất yếu. Vì thế ta không nên xúc động và phản đối ngay. Tôi cho rằng đó là cách tiếp cận kém văn minh, thể hiện thái độ không muốn đưa vốn văn hóa của dân tộc vào sự phát triển kinh tế. Tất cả các di sản chỉ thực sự có nghĩa khi nó phục vụ cho cuộc sống con người.
Xung quanh việc này, công luận cũng đã có những ý kiến nhất định. Nhiều người cho rằng thà giữ nguyên vẹn còn hơn là đời này khai thác rồi đời sau hỏng, con cháu không có để dùng. Đó cũng là một thái độ cẩn trọng có thể lý giải. Tuy nhiên, nếu quá cẩn trọng trong việc mà dẫn tới cực đoan thì tôi hoàn toàn không cổ xúy.
Ông Trịnh Lê Anh: Tôi ủng hộ việc sử dụng hình thức du lịch mạo hiểm hiện nay đối với Sơn Đoòng
Theo ông, dự án xây dựng cáp treo được triển khai sẽ đem lại những điều gì cho du lịch Quảng Bình?
Phần lớn các ý kiến cho rằng xây dựng cáp treo là không nên, nó đem lại nhiều hệ lụy hơn là giá trị. Tôi thấy thứ ta cần hiện nay không phải là một điểm du lịch đại trà, ồ ạt. Ta cần một điểm du lịch khác biệt có giá trị thực sự và lựa chọn người tham dự. Rõ ràng, một món hàng hiệu chỉ có ít người được dùng sẽ có “ thương hiệu” hơn so với một món hàng đồng giá trị nhưng lại có hàng vạn người dùng.
Tôi đồng ý rằng xây dựng cáp treo sẽ làm giảm giá trị của di tích do những tác động của con người gây ra.
Theo ông, với trường hợp hang Sơn Đoòng, nên áp dụng hình thức du lịch mạo hiểm như đã và đang làm hay áp dụng hình thức du lịch đại trà sẽ là thích hợp?
Nên hay không nên còn phụ thuộc vào việc chủ nhân của nó là ai. Nếu Sơn Đoòng là tài sản của Việt Nam thì người Việt Nam sẽ là người quyết định. Nếu là di sản của thế giới thì thế giới sẽ có ý kiến và quyết định việc này
Hiện nay, Sơn Đoòng nằm trong quần thể Phong Nha- Kẻ Bàng, là một di sản thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên, danh hiệu này cũng không phải chỉ của riêng Sơn Đoòng. Vì thế, việc xây dựng cáp treo là câu chuyện của Việt Nam và cư dân Quảng Bình sẽ là người quyết định. Thiếu sót của ta là chưa có phong vị xứng đáng cho Sơn Đoòng để ràng buộc với các bên liên quan.
Tuy nhiên, nếu thế giới thấy Sơn Đoòng thực sự có giá trị và công nhận ở tầm mức quốc tế, thì thế giới và các tổ chức bảo vệ tự nhiên sẽ lên tiếng, kiến nghị tới chính phủ Việt Nam để can thiệp vào những biến đổi liên quan đến di sản này.
Có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay trên thế giới, du lịch cáp treo là hình thức khá phổ biến. Tuy nhiên, một điểm du lịch thiên nhiên như Sơn Đoòng thì không nên sử dụng cáp treo, ông nghĩ như thế nào về vấn đề này? Ông có giải pháp gì để vừa có thể đảm bảo vấn đề môi trường sinh thái vừa phát triển du lịch bền vững nơi đây?
Hiện nay, du lịch cáp treo đang là hình thức làm tiện lợi hóa cho du khách tiếp cận các danh thắng thiên nhiên, đem lại lợi ích kinh tế cho du lịch và cộng đồng sở tại.
Tuy nhiên, trước mỗi phương án cần nghiên cứu sức chứa của từng điểm du lịch để có được những định hướng đúng đắn cho sự phát triển của nó. Về quan điểm, nếu UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng phát triển du lịch Sơn Đoòng là một cơ hội xóa đói giảm nghèo cho hàng triệu dân trong những năm tới, thì họ hoàn toàn có lý do để làm việc đó.
Chúng ta không trong hoàn cảnh của họ, nên dĩ nhiên, cách nhìn của chúng ta thể hiện sự tiếc nuối cho một di sản thiên nhiên. Tôi nhận thấy rằng, nước ta đã có quá nhiều điểm du lịch cáp treo, du lịch đại trà, và đang thiếu những điểm hàng hiệu. Tại sao không nhân cơ hội này để có biến Sơn Đoòng thành một điểm du lịch hàng hiệu ít người dùng nhưng lại có tiếng tăm trên thế giới.
Tôi nghĩ nên cân nhắc lại, thêm một điểm cáp treo chỉ có thể giải quyết vấn đề Quảng Bình chứ không thể giải quyết vấn đề quốc gia. Tôi thích nên giữ nguyên xi và làm theo hình thức như hiện nay để bảo tồn các giá trị thiên nhiên, đồng thời tạo nên một điểm du lịch phải xếp hàng dài để được tham dự. Tuy hình thức này sẽ giảm đi số người tiếp cận, nhưng bù lại sẽ tạo nên danh tiếng lớn lao và là một giấc mơ của những du khách nước ngoài chưa có cơ hội đặt chân đến đó.
Có giải pháp nào khác để thúc đẩy du lịch cho Sơn Đoòng mà không phải sử dụng hình thức cáp treo ?
Tôi nghĩ việc sử dụng cáp treo ở đây sẽ khó thực hiện. Tôi ủng hộ việc sử dụng hình thức du lịch mạo hiểm hiện nay đối với Sơn Đoòng. Tôi nghĩ, sự việc lần này sẽ làm cho người Việt có ý thức hơn trong bảo vệ Sơn Đoòng. Đồng thời, đây là một cơ hội tốt để quảng bá cho hang Sơn Đoòng được biết đến nhiều hơn với người Việt và cộng đồng quốc tế. Qua đó, nhiều tổ chức, hiệp hội quốc tế đã lên tiếng cho vấn đề này. Đây cũng thể coi là một chiếc lược PR vô cùng hiệu quả.
Xin cám ơn ông
Nguồn: Tạp chí Doanh Nghiệp - Doanh Nhân & Thương Hiệu