Top 10 kỹ năng doanh nghiệp cần phải trang bị cho nhân viên trong tương lai
Đâu là những kỹ năng mà nhân viên cần có trong tương lai? Doanh nghiệp có thể làm gì để trang bị chúng cho nhân viên? Qua bài viết này, bạn sẽ tìm được lời giải cho hai câu hỏi trên.
Với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ chuyển hóa toàn bộ thế giới thực của chúng ta sang thế giới số, thay đổi chóng mặt cách làm việc của con người ở tất cả lĩnh vực!
Để giúp các doanh nghiệp không bị tụt hậu và mất đi lợi thế cạnh tranh, trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày về những kỹ năng mà mọi nhân viên cần phải có trong tương lai, cũng như chia sẻ thêm cách mà các tổ chức và doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới đang làm để chuẩn bị cho lực lượng lao động của họ.
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), có 10 kỹ năng mà doanh nghiệp và nhà quản lý cần phải trang bị cho nhân viên để sẵn sàng cho Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó bao gồm:
1. Kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp
Kỹ năng giải quyết vấn đề là kỹ năng phân tích, nhìn nhận, đánh giá một vấn đề để có thể tự mình đưa ra các giải pháp có thể giải quyết được những khó khăn đang gặp phải, hoặc ít nhất có thể giảm thiểu được các hậu quả mà vấn đề đó gây ra.
Kỹ năng giải quyết vấn đề là một kỹ năng mềm có tầm quan trọng rất cao trong số những kỹ bộ năng cần thiết cho nhân công ngày nay. Theo báo cáo trên, trong năm 2020, có tới 36% việc làm sẽ đòi hỏi ứng viên buộc phải có kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp!
Điều này có lẽ cũng không quá bất ngờ. Bởi song hành cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hàng loạt những vấn đề về công nghệ, dữ liệu,...cũng từ đó nảy sinh ra. Chính này đòi hỏi đội ngũ nhân công trong tương lại phải được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để giải quyết những vấn đề này sao cho hiệu quả nhất.
2. Kỹ năng tư duy phản biện
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về tư duy phản biện. Báo cáo Tương lai của các nghề nghiệp năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới định nghĩa về kỹ năng này như sau:
“Sử dụng logic và lập luận để nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của các giải pháp, kết luận và cách tiếp cận khác nhau đối với các vấn đề.”
Nhìn chung, chưa thực sự có một định nghĩa chung và thống nhất nào về tư duy phản biện. Tuy nhiên, phần lớn các định nghĩa đang tồn tại về tư duy phản biện đều nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự rõ ràng và khả năng lập luận.
Với việc số hóa đang len lỏi đến từng ngóc ngách trong doanh nghiệp, nhu cầu về nhân sự có khả năng lý luận và tư duy logic cùng từ đó tăng lên. Lý giải cho điều này, WEF khẳng định việc máy móc vẫn phải được vận hành và tối ưu bởi con người. Doanh nghiệp khao khát những cá nhân có tư duy phản biện tốt để sử dụng hiệu quả nguồn lực công nghệ, tránh làm dụng chúng làm ảnh hưởng xấu đến vấn đề vận hành trong doanh nghiệp.
3. Kỹ năng sáng tạo
Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về tư duy sáng tạo. Theo định nghĩa Torrance (1962) “Tư duy sáng tạo là một quá trình tạo ra ý tưởng hoặc giả thuyết, thử nghiệm ý tưởng này đi đến kết quả … Kết quả này có ít nhiều mới mẻ, có chút ít gì đó trước đây con người chưa bao giờ nhìn thấy, chưa có ý thức về nó”.
Nói ngắn gọn thì bản chất sáng tạo là quá trình hoạt động của con người tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần mới về chất. Tiêu chí sáng tạo ở đây chính là “tính mới lạ” và “tính có giá trị” (có ích lợi hơn, tiến bộ hơn so với cái cũ).
Óc sáng tạo luôn là kĩ năng mà mọi doanh nghiệp cần có
Tư duy sáng tạo là sự khác biệt, ưu thế tuyệt đối của loài người so với các sinh vật khác. Kỹ năng này đã, đang và sẽ luôn được đề cao, đặc biệt là trong thế kỷ 21 này- khi mà nền kinh tế tri thức (với hàm lượng sáng tạo chiếm ưu thế tuyệt đối) lên ngôi. Chính nhờ có sáng tạo trong ứng dụng công nghệ mà doanh nghiệp mới có thể phát triển ra những sản phẩm và dịch vụ mới, phục vụ cho nhu cầu đang không ngừng biến đổi của thị trường.
4. Kỹ năng quản trị con người
Hạng mục kỹ năng này dành cho những cá nhân đang tham vọng nắm giữ các vị trí quản lý trong tương lai.
Khi máy móc lên ngôi, nguồn lực những tài năng ưu tú sẽ còn đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong các hoạt động của doanh nghiệp hay tổ chức. Do đó, kỹ năng quản lý nhân sự, với bản chất là việc khai thác tốt nguồn lực con người để phục vụ phát triển doanh nghiệp và xã hội, sẽ là một kỹ năng quan trọng mà một cá nhân với mindset nhà quản lý cần phải trau dồi.
5. Kỹ năng cộng tác làm việc (làm việc nhóm)
Kỹ năng làm việc nhóm là khả năng tương tác giữa các thành viên trong một nhóm nhằm phát triển tiềm năng, năng lực của tất cả các thành viên và thúc đẩy hiệu quả công việc.
Con người là sinh vật có tính cộng đồng cao, sinh ra là để hợp tác cùng nhau. Theo các nghiên cứu, những người cảm nhận được tình đồng đội sẽ gắn bó hơn với công việc, duy trì năng suất làm việc cao, phát huy sự sáng tạo, tạo ra lợi nhuận cho công ty và nâng cao mức độ hạnh phúc cho chính bản thân họ…
Ngày nay, trong xã hội hiện đại, gần như tất cả các công việc đều yêu cầu mỗi cá nhân phải hoạt động trong một nhóm làm việc chung nào đó. Các cơ quan, tổ chức cũng tìm cách huy động tối đa khả năng làm việc và sáng tạo của các nhóm nhằm phát huy tối đa năng lực cạnh tranh trong nghiên cứu, sản xuất, sáng tạo.
6. Kỹ năng đánh giá và ra quyết định
Trong một thời đại thông tin là vàng bạc, các doanh nghiệp đang ra sức thu thập tối đa số lượng thông tin có thể. Hẳn nhiên, họ cần những cá nhân có thể xử lý, phân tích và đưa ra những quyết định “thay đổi cuộc chơi” dựa vào lượng thông tin này.
Ngoài ra, nhà quản lý cũng kỳ vọng ở những nhân công có khả năng tiếp thu và đóng góp những ý kiến chiến lược cho đồng nghiệp cũng như cấp trên.
7. Tư duy định hướng dịch vụ
Tư duy định hướng dịch vụ (service orientation) được định nghĩa trong báo cáo của WEF là kỹ năng thuộc nhóm xã hội, thể hiện sự chủ động trong việc giúp đỡ và hỗ trợ người khác, từ đồng nghiệp đến khách hàng.
Cũng theo báo cáo này, tư duy định hướng dịch vụ sẽ trở nên ngày càng quan trọng hơn khi các công việc của chúng ta đang phụ thuộc nhiều robots và tự động hóa. Trong cuộc đua kinh tế ở thì tương lai, ai biết cách tạo ra giá trị và lợi ích cộng thêm cho khách hàng nói riêng và xã hội nói chung, người đó thắng.
8. Kỹ năng đàm phán
Đàm phán là kỹ năng tiến hành trao đổi, thảo luận với một hay nhiều bên để đạt được những thỏa thuận. Tình huống cần đàm phán diễn ra khi có những mâu thuẫn, hoặc những mối quan tâm chung cần giải quyết.
Một cá nhân để hoàn toàn làm chủ kỹ năng đàm phán phải sở hữu phản xạ ứng xử nhanh nhậy, biết lắng nghe và có thể đem lại cảm giác dễ chịu cho người đối diện. Song song với đó, họ đồng thời cũng phải biết tranh luận, thuyết phục bằng cách biết hé lộ, đưa ra những thông tin có vẻ là bí mật đối với người khác.
Máy móc tuyệt đối không có khả năng đàm phán, bởi vậy, kĩ năng này vẫn là lãnh địa thống trị của riêng và chỉ riêng con người! Do đó, đòi hỏi từ các nhà tuyển dụng với hạng mục kỹ năng này sẽ ngày một cấp thiết hơn.
9. Trí tuệ cảm xúc
Peter Salovey và John D.Mayer – được coi là cha đẻ của khung lý thuyết về trí thông minh cảm xúc. Họ định nghĩa như sau:
“Khả năng theo dõi cảm giác và cảm xúc của mình cũng như của người khác, phân biệt chúng, và sử dụng thông tin này để dẫn dắt tư duy và hành động của mình”
5 yếu tố cấu thành nên trí thông minh cảm xúc:
· Khả năng am hiểu bản thân: Kiến thức về các trạng thái bên trong, sở thích, nguồn lực và trực giác của chính mình.
· Khả năng kiểm soát bản thân: Khả năng quản lý các trạng thái bên trong, các xung động, và nguồn lực của chính mình.
· Động lực: Những xu hướng cảm xúc dẫn dắt hoặc hỗ trợ việc đạt được mục tiêu
· Cảm thông: Khả năng am hiểu cảm xúc, nhu cầu và mối quan tâm của người khác
· Kỹ năng xã hội: Sự thành thạo trong việc gợi ra những phản ứng mong muốn bên trong người khác.
Trí tuệ cảm xúc là thứ mà máy móc không thể thay thế con người được
Trong tương lai, máy móc có thể giải quyết rất nhiều vấn đề, nhưng tuyệt nhiên chúng không thể hiểu và đọc được cách tương tác, làm việc giữa con người với con người. Bởi vậy, doanh nghiệp luôn đánh giá cao những cá nhân có khả năng tác động tích cực vào nhận thức, thái độ và hành vi của những người xung quanh.
10. Kỹ năng nhận thức linh hoạt
Nhận thức linh hoạt (Cognitive flexibility) là khả năng suy nghĩ và làm việc dưới nhiều luồng ý tưởng cùng một lúc. Theo báo cáo, kỹ năng này đang dần trở thành yếu tố cốt lõi mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm ở ứng viên, bởi sự ra đời của hàng loạt các công việc sẽ đòi hỏi một cá nhân phải xử lý hàng loạt tác vụ tại thời điểm.
Danh sách này phản ánh thực tế rằng, khi công nghệ lên ngôi, để đứng vững vàng trong thị trường lao động việc làm, con người cần phải tự tôi luyện và đánh bóng bản thân bằng những kỹ năng mà máy móc thông thể sao chép!
Là nhà quản lý, bạn phải luôn tâm niệm nguồn lực con người chính là sức mạnh nội tại của công ty. Bởi vậy, đầu tư đào tạo và trang bị kỹ năng cho đội ngũ nhân viên cũng có thể coi như việc tăng cường “thể lực” cho bản thân doanh nghiệp. Vấn đề này, tuyệt đối không thể xem nhẹ!
Bên cạnh các kỹ năng đã được trình bày trong bài viết, trong một tổ chức hay doanh nghiệp còn cần rất nhiều những năng lực quan trọng khác. Tất cả được tập hợp lại trong Bộ từ điển năng lực.
Theo Base Resources / Kiến thức, kinh nghiệm, tài liệu quản trị doanh nghiệp trong kỷ nguyên số