Hotline Vietskill (cơ sở Tp. Hà Nội)
0912 354 699
vietskill.mc@gmail.com
Hotline Vietskill 2 (cơ sở Tp. Hà Nội)
0971 188 468
mc.vietskill@gmail.com
Tạ Huyền (cơ sở Tp. Hà Nội)
0975 152 705
tathihuyen95@gmail.com
Nguyễn Thanh Mai (cơ sở Tp. Hà Nội)
0984 888 884
thanhmai@vietskill.com.vn
Phạm Luân (Cơ sở TP Hà Nội)
0823 462 721
luanphamrvg@gmail.com
Minh Khuê (Truyền thông, tài trợ)
037 987 8386
khuedo35@gmail.com
Ngọc Lan (cơ sở Tp. HCM)
0906 994 331
vietskillhcm@gmail.com
Thi Thảo (cơ sở Tp. HCM)
0912 888 129
thithao.salata@gmail.com
LINK LIÊN KẾT
Tin tức Vietskill
QUẢNG CÁO
8 bước kể chuyện hấp dẫn nhờ cấu trúc “The Dan Harmon Story Circle”

8 bước kể chuyện hấp dẫn nhờ cấu trúc “The Dan Harmon Story Circle”

Ngày đăng: 24/01/2024 (Lượt xem: 217)
“The Story Circle” của ông Dan Harmon được xem là cấu trúc kể chuyện đơn giản nhất mà những người yêu thích viết lách có thể tham khảo và sử dụng. Kể chuyện là việc mà ai cũng làm được, song cấu trúc mới là yếu tố tạo nên một câu chuyện xuất sắc.

Ông Daniel James Harmon (sinh năm 1973) là một nhà sản xuất phim, biên kịch và diễn viên người Mỹ. Ông được biết đến rộng rãi với hai bộ phim truyền hình nhiều mùa “Community” và “Rick and Morty”. Ngoài ra, vào năm 2013, ông Harmon từng xuất bản quyển sách có tên là “You'll Be Perfect When You're Dead”.

Bởi vì ông Harmon có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực viết kịch bản, thế nên “The Story Circle” rất phổ biến đối với các nhà sản xuất phim và biên kịch của các chương trình truyền hình và phim truyền hình dài tập. Dẫu vậy, bất cứ người làm nghề viết nào cũng có thể học hỏi được nhiều thứ từ cấu trúc của ông Harmon.


 8 buoc ke chuyen.png

Chân dung ông Daniel James Harmon, nhà sản xuất phim, biên kịch và diễn viên người Mỹ.
Nguồn: Jamie McCarthy / Getty Images


Về cơ bản, “The Story Circle” gồm có 8 bước. Điều đó có nghĩa là nhân vật chính trong câu chuyện phải trải qua một hành trình có nhiều biến động, tương đương với tám bước.

Bước 1: You

Đầu tiên, người viết cần thiết lập bối cảnh cho nhân vật trọng tâm của câu chuyện. Lúc này, chưa có bất cứ biến cố nào xảy ra với cuộc đời của nhân vật chính. Nói cách khác, người viết cần xây dựng vùng an toàn của nhân vật chính trước khi buộc phải đối mặt với những thách thức và khó khăn.


Giai đoạn mở đầu này rất quan trọng bởi vì người xem sẽ được cung cấp bức tranh toàn cảnh về nhân vật chính, từ đó dễ dàng nhận thấy những thay đổi của nhân vật chính trong hành trình phía trước.

Người viết cũng cần lưu ý đến thiết lập hình tượng của nhân vật trọng tâm. Họ không nhất thiết phải là một cá thể hoàn hảo, song những khuyết điểm của họ phải khiến người xem thấu hiểu và đồng cảm.


Ví dụ, đối với một bộ phim hài lãng mạn, nhân vật nữ chính có thể là một người lý trí và lạnh lùng, thế nhưng điều đó xuất phát từ những tổn thương trong quá khứ mà cô ấy đã từng trải qua. Trong sâu thẳm, cô ấy vẫn mong muốn tìm kiếm được một người đàn ông đáng tin, chân thành và tử tế để cùng cô vượt qua những sóng gió của cuộc đời.

 

8 bước kể chuyện theo cấu trúc “The Story Circle” của ông Dan Harmon.
Nguồn: Boords

Bước 2: Need

Ở bước này, cuộc sống của nhân vật chính bắt đầu có những biến động đầu tiên bởi vì họ khao khát đạt được một mục tiêu cụ thể, hoặc ai đó xuất hiện và đánh thức một đam mê gì đó ẩn sâu trong họ. Đó cũng có thể là một vấn đề đột ngột phát sinh buộc họ đối mặt và tìm ra giải pháp.


Ví dụ, trong bộ phim hoạt hình “Tangled” của Disney, sau khi vô tình bắt được Flynn Rider sau chuyến đột nhập vào tòa tháp, nữ chính là Rapunzel quyết định thỏa thuận với Flynn rằng cô sẽ đưa vương miện cho anh, với điều kiện phải dẫn cô ra ngoài đi ngắm lễ hội thiên đăng (đèn lồng thả lên trời) được tổ chức hàng năm ở kinh thành, điều mà cô khao khát thực hiện từ rất lâu.


Bước 3: Go!

Đến giai đoạn này, dù còn nhiều thứ chưa chắc chắn và cảm thấy e ngại, nhân vật chính đã sẵn sàng để bước ra khỏi vùng an toàn và dấn thân hành trình phiêu lưu sắp tới. Đây cũng là giai đoạn mở đầu cho hành trình đầy chông gai của nhân vật chính.


Quay trở lại với ví dụ về bộ phim “Tangled”, khi cả hai vừa bắt đầu hành trình của họ, Flynn đã cố ý dẫn Rapunzel đến quán rượu Snuggly Duckling, nơi toàn những tên đàn ông to lớn và đầu gấu, nhằm khiến cô nàng e sợ và từ bỏ ý định vào kinh thành. Hóa ra, dù cảm thấy hoang mang vào lúc đầu, thế nhưng Rapunzel đã dùng sự duyên dáng của cô để cảm hóa những người đàn ông ấy và tiếp tục chuyến hành trình vào kinh thành.


Bước 4: Struggle

Theo ông Harmon, đây là lúc “nhân vật chính bị quăng xuống nước và họ chỉ có hai lựa chọn duy nhất, một là chết chìm, hai là học cách bơi”.

Đến giai đoạn này, người viết cần tạo ra những trở ngại lớn hơn để buộc nhân vật chính phải thích nghi và tìm cách vượt qua những thách thức đó, cũng như bị dằn vặt về mặt tinh thần hoặc thể chất. Đây cũng là lúc họ gặp gỡ những người bạn đồng hành mới, hoặc quý nhân ra tay giúp đỡ. Bên cạnh đó, họ cũng có thể học được những kỹ năng mới, hoặc sở hữu được các công cụ hữu ích.


Bước 5: Find

Lúc này, nhân vật chính đã đi được một nửa hành trình. Họ thậm chí đã có được thứ họ muốn nhưng lại không giống với kỳ vọng của họ. Khi ấy, họ lại tiếp tục đối mặt với những trở ngại khác.


Ví dụ, trong bộ phim điện ảnh “The Devil Wears Prada”, khi nữ chính Andy dần nhận được sự tín nhiệm của cấp trên là bà Miranda, đồng thời có sự lột xác ngoạn mục về phong cách thời trang, cô bắt đầu gặp rắc rối với những mối quan hệ cá nhân và đồng nghiệp. Cụ thể hơn, bạn trai và bạn bè xung quanh không ngừng chỉ trích cô vì dành quá nhiều thời gian cho công việc.


The Dan Harmon Story Circle.png


Bước 6: Suffer

Đến bước này, nhân vật chính đã đạt được mục tiêu, thế nhưng cũng phải hi sinh một thứ gì đó. Trước khi họ bước tiếp, họ phải bỏ lại thứ gì đó phía sau. Sự mất mát này có thể đến dưới nhiều hình thức khác nhau.


Trong bộ phim “The Devil Wears Prada”, sau khi đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp và sự ưu ái của người sếp tài năng nhưng hà khắc Miranda Priestly, nữ chính Andy xảy ra mâu thuẫn với bạn bè và chia tay người bạn trai lâu năm. Không chỉ thế, việc cô được cử đi công tác tại Paris vô tình khiến người đồng nghiệp Emily gặp tai nạn giao thông. Những biến cố liên tiếp xảy đến khiến Andy cảm thấy vô cùng mệt mỏi và chán chường, ngay cả khi sự nghiệp của cô liên tục thăng hoa.


Bước 7: Return

Người viết cần lưu ý rằng khi đi đến giai đoạn này, nhân vật chính đã vượt qua những thách thức diễn ra liên tục trước đó, thế nhưng mọi thứ vẫn chưa thật sự kết thúc.

Để dễ hình dung hơn, trong thể loại phim tình cảm lãng mạn, sau những hiểu lầm và mâu thuẫn dẫn đến chia tay, đây là lúc nam chính hoặc nữ chính chạy đến sân bay bày tỏ tấm chân tình để xóa bỏ những hiểu lầm, đồng thời mang người mình yêu quay lại.


Trong bộ phim hành động, đây là thời điểm mà nhân vật chính đã tiêu diệt được nhân vật phản diện và chuẩn bị quay trở về quê nhà. Tuy nhiên, hóa ra, còn có một thế lực hắc ám khác xuất hiện để truy đuổi và ám sát nhân vật chính.


Bước 8: Change

Đây là giai đoạn chứng minh sự thay đổi toàn diện của thế giới, của nhân vật chính hoặc cả hai. Nhân vật chính có thể trở thành một cá nhân hoàn thiện hơn, song điều đó không phải lúc nào cũng đi cùng với một kết thúc có hậu theo kiểu mẫu. Điều quan trọng là người xem phải rút ra được những bài học hoặc đúc kết cho riêng họ khi hành trình của nhân vật chính kết thúc.


Ví dụ, “The Worst Person in the World” – bộ phim điện ảnh độc lập đến từ Na Uy giành được giải Cành cọ Vàng tại Cannes năm 2021 đã khiến giới phê bình, cũng như cộng đồng yêu điện ảnh bất ngờ khi khắc họa sự bất an, lạc lối của những người trẻ hiện đại một cách chân thật và tinh tế.

 

Khi bộ phim kết thúc, Julie không có một cái kết hoàn hảo như một số nhân vật chính trong những bộ phim khác. Dẫu vậy, yếu tố khiến “The Worst Person in the World” được đánh giá cao bởi vì sau khi xem xong bộ phim này, người xem nhận ra rằng điều quan trọng là học cách chấp nhận, bởi vì đôi khi những sai lầm mới là thứ khiến cuộc đời trở nên trọn vẹn hơn.


Kết

Như vậy, với cấu trúc 8 bước của ông Harmon, những người viết lách có thể dễ dàng học cách xây dựng một câu chuyện với nhiều thể loại khác nhau. Điều cần lưu ý là sau khi phác thảo ý tưởng cho từng bước theo cấu trúc, người viết nên nhìn lại để đánh giá xem khao khát của nhân vật chính đã đủ lớn chưa, cũng như mức độ thuyết phục của những cột mốc dẫn đến sự chuyển biến tâm lý của nhân vật, từ đó tìm cách cải thiện để câu chuyện hấp dẫn và có tính kết nối chặt chẽ hơn.

Theo Thanh An / Brands Vietnam