Hotline Vietskill (cơ sở Tp. Hà Nội)
0912 354 699
vietskill.mc@gmail.com
Hotline Vietskill 2 (cơ sở Tp. Hà Nội)
0971 188 468
mc.vietskill@gmail.com
Tạ Huyền (cơ sở Tp. Hà Nội)
0975 152 705
tathihuyen95@gmail.com
Nguyễn Thanh Mai (cơ sở Tp. Hà Nội)
0984 888 884
thanhmai@vietskill.com.vn
Phạm Luân (Cơ sở TP Hà Nội)
0823 462 721
luanphamrvg@gmail.com
Minh Khuê (Truyền thông, tài trợ)
037 987 8386
khuedo35@gmail.com
Ngọc Lan (cơ sở Tp. HCM)
0906 994 331
vietskillhcm@gmail.com
Thi Thảo (cơ sở Tp. HCM)
0912 888 129
thithao.salata@gmail.com
LINK LIÊN KẾT
Tin tức Vietskill
QUẢNG CÁO
Đừng chủ quan khi trẻ nói ngọng

Đừng chủ quan khi trẻ nói ngọng

Ngày đăng: 15/01/2019 (Lượt xem: 2857)
Người lớn không nên chủ quan, coi nói là quá trình tự nhiên, để mặc trẻ, cần quan tâm đến sự hành thành ngôn ngữ của trẻ, theo dõi những bất thường để sớm cho con đi khám và can thiệp kịp thời.

Chị Mỹ (Hà Nội) kể, nhiều khi con trai nói, bố mẹ phải "dịch" một hồi mới hiểu, chẳng hạn như "con thích đi cô cượng cơ" (con thích đi tô tượng) rồi "bố nhớ mua vợ cho con" (bố nhớ mua vở cho con)... Đến giờ, bé đã vào lớp hai nhưng vẫn chưa hết ngọng. Chị Mỹ lo lắng thực sự khi bé chán học, đòi nghỉ ở nhà vì đến lớp hay bị bạn bè chê cười. Cậu bé càng ít nói và không hợp tác với mẹ mỗi lần chị muốn chỉnh cách nói của con. 

"Lúc cháu còn bé, nói ngọng thì cả nhà thấy dễ thương, hay hay, cứ nghĩ con lớn sẽ tự khỏi. Đến khi con sắp đi học vẫn líu lo, mình chủ quan nghĩ con lớn hơn nói bị bạn chê sẽ tự biết xấu hổ mà điều chỉnh, không ngờ việc này ảnh hưởng xấu đến cháu như vậy. Mình thực sự ân hận vì không cho con đi chữa sớm", chị Mỹ chia sẻ. 

xem-TV-7008-1416622814.jpg

Ảnh minh họa: Bbc.com.

Có cậu con trai vừa bước vào lớp một, chị Dung (Thanh Trì, Hà Nội) cũng lo lắng vì bé luôn phát âm sai giữa chữ "c" và "t", hay giữa chữ "ng" và"n". Chẳng hạn, "bác" thì bé luôn nói là "bát", "lúc lắc" thì thành "lúc lác", hay "càng cua" thì thành "càn cua", "chói chang" thành "chói chan"... Thỉnh thoảng bé cũng hay nói các chữ cái đều chệch ra thành chữ "t", chẳng hạn như "ton đi tơi" (con đi chơi), "bác Tưng cho ton tẹo" (bác Hưng cho con kẹo)... Chị Dung đã cố gắng sửa cho con nhưng bé hay cáu, không chịu chỉnh lại theo mẹ dạy. 

"Con người ta nói năng lưu loát thì học lớp 1 đã vất vả rồi, con mình nói ngọng, hai mẹ con càng phải đánh vật với nhau. Điều mình lo nhất là mình chỉnh thì cháu lại đâm chán, rồi càng bướng, dễ nổi khùng", chị Dung bộc bạch. 

Tiến sĩ Nguyễn Duy Dương, khoa thanh - thính học, Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương cho biết, nói ngọng là một rối loạn của đường phát âm, làm bệnh nhân không tạo được âm vị chuẩn của ngôn ngữ, chẳng hạn nói chữ t thành n (tai thành nai), nh thành ng (nhung biến thành ngung...). Đây là một nhóm nhỏ của rối loạn ngôn ngữ, lời nói, chủ yếu gặp ở trẻ con. Người lớn bị ngọng thường do tổn thương thần kinh trung ương, hay liên quan tới tai nghe... Có những trẻ chỉ ngọng khi nói hoặc đọc, nhưng cũng có bé mắc cả hai tật này. Ngọng thường gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái.

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ nói ngọng. Một số trẻ ngậm núm vú giả nhiều, lâu, lưỡi sẽ có xu hướng thè ra ngoài, nên khi phát âm, theo thói quen, lưỡi trẻ thường đưa ra ngoài khiến âm bị chệch. Ngoài ra, rối loạn phát âm có thể là hậu quả của rối loạn hành vi. Có trẻ chơi game, xem TV quá nhiều, dẫn tới tình trạng học ngôn ngữ không qua nghe - nói mà qua nhìn - nói, khiến cung thính giác không được kích thích gây rối loạn phát âm. Những trẻ này ngoài nói ngọng còn hay cáu giận.

Bố mẹ cũng ảnh hưởng phần nào đến việc phát triển ngôn ngữ của trẻ, chẳng hạn, khi thấy con nói ngọng bố mẹ không chỉnh ngay từ đầu, ít chơi với trẻ... Một số trẻ còn bắt chước người trong nhà nói ngọng. Vì thế, nếu gia đình có người lớn nói ngọng, trẻ dễ nói theo. 

Bên cạnh đó, trẻ bị các bệnh ảnh hưởng đến đường phát âm như bệnh mũi xoang, viêm VA... cũng hay nói ngọng. Các bé thường gặp tình trạng có những chữ đáng lẽ ra miệng phải kín nhưng trẻ khó thở nên há mồm, dẫn tới phát âm sai.

Những tổn thương thực thể như dị dạng đường phát âm, ngắn hãm lưỡi, sứt môi hở hàm ếch, tổn thương miệng... cũng là nguyên nhân gây ngọng. Một số trẻ cũng có thể ngọng do bộ phận thính giác. Khi nghe kém, trẻ không đủ vốn từ để học nói đầy đủ, thành ra ngọng (cũng như trẻ không nghe được thì không nói được, thành câm).

Theo một số tài liệu, nguyên nhân là trẻ có vấn đề khiếm khuyết trong quá trình phát triển ngôn ngữ. Nhiều trẻ có thể ngọng tới 7-8 tuổi rồi tự hết nhưng việc nói không rõ này có thể ảnh hưởng nhiều đến việc học hành, giao tiếp, sự tự tin của trẻ. 

"Trẻ con 2 tuổi ở thời điểm tập nói, nếu nói ngọng là hoàn toàn bình thường nhưng tới 4 tuổi vẫn chưa sửa được thì phải coi là bất thường, cần tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách khắc phục", bác sĩ Dương cảnh báo. 

Theo bác sĩ, cách chữa bệnh này tùy thuộc vào nguyên nhân, bởi vậy quan trọng nhất khi thấy trẻ ngọng là tìm hiểu lý do gây ra tình trạng đó. Trẻ nghe kém, có vấn đề ở đường phát âm, hay bất thường ở tai mũi họng, hoặc gia đình có ai bị ngọng, hay trẻ xem TV quá nhiều, ít có cơ hội nghe, nói trực tiếp...

Thông thường, tình trạng ngọng có thể được cải thiện rõ rệt bằng việc sử dụng ngôn ngữ trị liệu. Với tùy dạng ngọng của trẻ, bác sĩ sau khi thăm khám có thể cho bé tập các bài trị liệu ngôn ngữ chuyên sâu khác nhau. Chẳng hạn, trẻ không phát âm được một từ nào đó (ví dụ, không nói được chữ "p", nói pin thành in) hoặc nói từ này thành từ khác (như định nói "cá" thì lại chệch sang là "tá" hay cam" thành "tam"...) thì sẽ có các bài phù hợp để điều chỉnh cho đúng. Việc dùng các bài tập này sẽ giúp trẻ thay đổi cách cấu âm, thay đổi cách sử dụng lưỡi và nói rõ ràng, chuẩn xác hơn.

"Người lớn không nên chủ quan, coi nói là quá trình tự nhiên, để mặc trẻ, cần quan tâm đến sự hành thành ngôn ngữ của trẻ, theo dõi những bất thường để sớm cho con đi khám và can thiệp kịp thời. Những trẻ ngôn ngữ kém, phụ huynh không nên cho tham gia hoạt động nhìn nhiều vì làm cung phản xạ nghe nói gián đoạn, hình thành phản xạ nhìn - nói", bác sĩ nói. 

 


Nguồn: VN Exprsee