Tạp chí FastCompany đã phỏng vấn một vài nhân sự ở những công ty công nghệ hàng đầu để tìm hiểu xem họ đang cố gắng loại bỏ thói quen không tốt nào khỏi cuộc sống hằng ngày của mình. Việc đạt được những thành công nhỏ đầu tiên này có thể giúp bạn đạt được những điều to lớn hơn về sau.
Đây là 7 thói xấu trong công việc mà bạn nên xem xét loại bỏ ngay:
1. Đem điện thoại vào cuộc họp
Sara Haider - một nhà quản lý cấp cao của công ty công nghệ video Periscope cho biết: “Tôi đã từng liên tục kiểm tra điện thoại của mình cả ngày, vì vậy tôi tập thói quen chuyển điện thoại của mình sang chế độ ‘yên lặng’ trong các cuộc họp, nhờ vậy tôi có thể tập trung tâm trí, suy nghĩ của mình vào công việc đang làm”.
Erica Lockheimer - giám đốc cấp cao của bộ phận kỹ thuật tại LinkedIn, cũng cam kết thực hiện những điều tương tự. Cô thề: “Tôi sẽ không để bị phân tâm bởi laptop hay điện thoại di động trong các cuộc họp nữa. Tôi sẽ có mặt, tham gia đầy đủ và tập trung từng giây từng phút làm việc với nhân viên nhằm giải quyết mọi vấn đề và đề ra các chiến lược mới. Những thứ còn lại đều có thể chờ đợi - khoảnh khắc bạn đang chú tâm luôn quan trọng hơn!”
2. Ăn trưa một mình
Thật dễ dàng để chọn giải pháp ngồi ăn bánh mì tại bàn làm việc khi bạn đã có một ngày bận rộn, chật kín những công việc. Thế nhưng, cố lôi bản thân đến căngtin ăn trưa chỉ để vội vã ăn uống qua loa cũng chẳng tốt hơn.
Ish Verduzco - điều phối viên tổ chức sự kiện của LinkedIn, cho biết “Ăn một mình không phải là nghỉ ngơi, đó là sự cô lập”.
Vì vậy để tống khứ thói quen xấu này, Verduzco đang xây dựng một thói quen mới: “Năm 2017 này, mỗi tuần, tôi sẽ dùng bữa trưa với hai người mới gặp. Điều này không chỉ giúp tôi xây dựng các mối quan hệ mà còn giúp tôi mở rộng kiến thức về công việc”.
3. Chỉ thích trao đổi bằng email thay vì gặp gỡ trực tiếp
Chiến lược gia sản phẩm của Google là Luke Leonhard tuyên bố: “Tôi đang từ bỏ thói quen kiểm tra từng email. Khi mọi người đang làm việc rất tốt, tôi sẽ nỗ lực để gặp trực tiếp và nói cho họ biết họ đang làm tôi vui thế nào, thay vì gửi email vào chuỗi cc.”
Email rất thuận tiện nhưng cũng vì thế đôi khi nó đem lại cho chúng ta nhiều điều không mong muốn, như làm sụt giảm tần suất giao tiếp giữa các nhân sự. Vì vậy, Leonhard chọn việc gặp mặt trực tiếp làm phương thức giao tiếp mặc định của mình: “Khi tôi có thông tin phản hồi về thông số của một sản phẩm nào đấy, tôi sẽ lên kế hoạch cho một cuộc họp khoảng 10 - 15 phút dưới dạng gặp mặt trực tiếp hoặc qua Google Hangouts, như vậy tôi sẽ đưa ra thông tin phản hồi nhanh chóng và hiệu quả hơn. Nếu chỉ sử dụng email, tôi e rằng nó sẽ không đáng thời gian bỏ ra cho cả tôi lẫn người nhận, và còn tạo nên những phiền nhiễu thông tin không cần thiết”.
Leonhard cho biết, anh đã bắt đầu thực hiện điều này và nhận thấy: “Bản thân tôi đã tốn ít thời gian cho việc điên cuồng ngồi gõ bàn phím liên tù tì và việc được trò chuyện với mọi người nhiều hơn khiến tôi cảm thấy thêm yêu công việc của mình”.
4. Theo dõi những bản tin vô nghĩa qua email (newsletter)
Leonhard không phải là người duy nhất muốn dành ít thời gian hơn cho việc kiểm tra hộp thư đến của mình. Fadia Kader - quản lý cấp cao về quan hệ đối tác ở Twitter cho biết: “Năm nay, tôi đang tập trung vào việc hủy đăng ký theo dõi các bản tin mà tôi không đọc thường xuyên, và tôi sẽ lưu ý nhiều hơn về những thứ mà tôi đăng ký theo dõi”. 2017 sẽ là năm để cô có thể “sắp xếp hộp thư đến của mình một cách có tổ chức và không còn bừa bãi, lộn xộn”.
5. Lệ thuộc vào các mẩu giấy ghi chú và trí nhớ ngắn hạn
Wade Morgan - chuyên viên bán hàng cho khối doanh nghiệp tại LinkedIn cho biết: “Tôi bắt đầu sử dụng ứng dụng lịch trên điện thoại để lên kế hoạch hành động của mình trong tuần và từ bỏ thói quen thay đổi kế hoạch liên tục”. Với việc thiết lập chức năng nhắc nhở trong ứng dụng lịch, Morgan hy vọng điều này sẽ giúp anh “gia tăng hiệu quả và khiến cho bản thân tôi có trách nhiệm nhiều hơn”.
Alex Josephson - trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu tại Twitter, cũng đang từ bỏ việc trông cậy vào những thói quen ghi chú cũ. Ông cho biết, “Tôi đã quyết định từ bỏ hoàn toàn việc dùng giấy bút. Sử dụng các ứng dụng như Google Keeps là cách tốt nhất để di chuyển nhanh hơn giữa các cuộc họp, ghi lại các ý tưởng hay những công việc cần làm. Hơn nữa, nó còn giúp tôi bảo vệ môi trường, thông qua việc giảm tải lượng khí thải Carbon từ giấy và bút”.
6. Ngủ quá ít
David Roter - trưởng bộ phận quan hệ với agency của Twitter nói đùa: “Tôi không còn chối bỏ rằng ngủ không phải là việc quan trọng, vì vậy tôi đã xác định việc ngủ nhiều hơn thành mục tiêu cần phải thực hiện trong năm nay”.
Nhưng từ bỏ thói quen thức khuya của bản thân không có nghĩa là bạn điều chỉnh lại hết giờ giấc của mình. Roter chỉ điều chỉnh vài điều nhỏ để giúp anh đi ngủ dễ dàng hơn: “Dù tôi sẽ không từ bỏ thời gian xem phim, tôi sẽ thảy điện thoại vào nhà bếp và thiền ít nhất một lần trong ngày. Nó giúp tôi thực sự cảm thấy nhẹ nhõm và có thể tập trung hơn vào công việc”.
7. Sự cầu toàn quá đà
Luke Leonhard đang cố gắng từ bỏ thêm thói quen này: “Tôi đã không còn dành nhiều thời gian cho việc cố gắng phải soạn các bài thuyết trình hoàn hảo đến từng dấu phẩy”. Ông cho biết thêm: “Tôi bắt đầu gắn bó với việc sử dụng các mẫu dựng sẵn để làm cho bài thuyết trình thêm tuyệt vời mà không phải tiêu tốn thêm 20 phút chỉ đề điều chỉnh các ô ngay ngắn và lựa chọn màu sắc”. Điều đó không đáng để bỏ công, Leonhard nhấn mạnh.
Bằng cách từ bỏ thói quen cầu toàn quá đà, Leonhard giải phóng được thời gian để thử những điều mới mẻ. “Có thêm thời gian rảnh, tôi có thể học thêm tiếng Tây Ban Nha, ra ngoài chạy bộ hoặc tập Yoga chẳng hạn”.
Minh Phương - Theo FastCompany/NCĐT