Văn hóa là một khái niệm rất rộng, vì thế văn hóa doanh nghiệp, có thể hiểu đơn giản là:
Phẩm chất riêng biệt của tổ chức được nhận thức phân biệt nó với các tổ chức khác trong lĩnh vực. (Gold, K.A.)
Văn hóa thể hiện tổng hợp các giá trị và cách hành xử phụ thuộc lẫn nhau phổ biến trong doanh nghiệp và có xu hướng tự lưu truyền, thường trong thời gian dài. (Kotter, J.P. & Heskett, J.L.)
Văn hóa doanh nghiệp là những niềm tin, thái độ và giá trị tồn tại phổ biến và tương đối ổn định trong doanh nghiệp. (Williams, A., Dobson, P. & Walters, M.)
Nhiều người vẫn thường không phân biệt được “văn hóa doanh nghiệp” và “môi trường làm việc” là hai hay là một, và nếu là hai, thì là hai khái niệm không liên quan gì đến nhau, hay cái nào lớn hơn cái nào, cái nào bao trùm cái nào.
Tôi nghĩ rằng “môi trường làm việc” là tổng hợp tất cả những gì làm nên bối cảnh xung quanh hoạt động của doanh nghiệp, của mỗi cá nhân trong doanh nghiệp ấy, bao gồm cả vật chất và tinh thần, là lương, chế độ đãi ngộ, những gì hữu hình như bàn ghế, văn phòng, là áp lực công việc… , văn hóa là cái nhỏ hơn bên trong. Văn hóa thiên về tinh thần hơn là vật chất, và nếu như cấu trúc văn hóa của doanh nghiệp gồm 4 nhóm: nhóm yếu tố giá trị, nhóm yếu tố chuẩn mực, nhóm yếu tố không khí và phong cách quản lý của doanh nghiệp và nhóm yếu tố hữu hình, thì ngay cả khi hiện diện ở những gì là vật chất, vật chất chỉ là phương tiện biểu đạt, truyền tải văn hóa đó.
Những biểu hiện dễ thấy nhất của văn hóa doanh nghiệp là phong cách lãnh đạo, tác phong làm việc của nhân viên, cũng như bối cảnh công ty. Ở Việt Nam, tôi nhận thấy có hai doanh nghiệp tương đối thành công cả trong kinh doanh lẫn xây dựng văn hóa của riêng mình là FPT và BKAV. Thậm chí, nhiều nhân viên FPT còn có thể gọi tên văn hóa công ty mình là “bựa và bậy”. Điều đáng chú ý nằm ở chỗ, có thể dư luận bên ngoài phê phán, chỉ trích, thậm chí nói xấu, song nhân viên của các công ty này luôn khen và khẳng định giá trị riêng của công ty mình.
Họ cảm thấy thoải mái khi làm việc trong bầu không khí đó, bầu không khí không chỉ có họp hành, hành chính, thúc đẩy công việc tiến triển tiến triển tiến triển, mà còn có sự tương tác tích cực giữa sếp với nhân viên, giữa nhân viên với nhau, giữa nhân viên với tập thể. Nó như một tấm đệm mềm, triệt tiêu bớt những “phản lực” của môi trường làm việc quá nghiêm túc cứng nhắc, chính vì vậy, mới góp phần thúc đẩy khả năng sáng tạo và năng suất hoạt động của nhân viên. Người ta chỉ có thể làm việc tốt nhất khi họ cảm thấy hạnh phúc (hạnh phúc, chứ không phải là thỏa mãn).
Trên thế giới, ở những tên tuổi thành công nhất, tôi cũng có thể nêu ra trường hợp của Facebook và Google, một gã khổng lồ mới nổi, và một gã khổng lồ già khú, cùng trong lĩnh vực công nghệ thông tin – như một cách để đối chiếu, so sánh với FPT và BKAV đã kể trên.
Google có hẳn một vị trí gọi là Giám đốc phụ trách các vấn đề về văn hóa (Chief Culture Officcer) – đồng thời cũng là Giám đốc nhân sự, nhằm giữ gìn văn hóa công sở của công ty này. Tiêu chí về văn hóa công ty của Google vẫn được giữ nguyên kể từ khi được thành lập, đó là một môi trường bình đẳng, không có hệ thống cấp bậc quản lý khắt khe, có tinh thần tương trợ lẫn nhau, và khích lệ tính sáng tạo, đổi mới. Nghe thì có thể chung chung và có phần… đơn giản, nhưng để tạo được điều này không hề đơn giản, nó cần có lộ trình, có đầu tư cả vật chất và tinh thần, và chỉ có thể xây dựng thành công văn hóa công ty, cốt tử nhất là “khêu gợi” được sự tham gia của nhân viên chứ không phải bằng những quy định cứng nhắc, yêu cầu nhân viên phải làm thế này, làm thế kia vào lúc này, vào lúc kia, ở chỗ này, ở chỗ kia… cố gò nó thành thói quen và nghĩ rằng đó là văn hóa.
Văn phòng
Theo một khảo sát về nghề nghiệp tại Mỹ được công bố giữa tháng 12 vừa qua, Facebook được đánh giá là công ty tốt nhất để tới làm việc. Ông Robert Bohman, giám đốc điều hành của Glassdoor – đơn vị thực hiện khảo sát này cho biết, dường như hầu hết các nhân viên không hài lòng khi có sự nghèo nàn về giao tiếp trong một công ty, trong khi các công ty được đánh giá cao nhất đều có “một nền văn hóa công ty rất vững chắc và khác biệt”. Điều đó thể hiện ngay từ không giam văn phòng mở, thân thiện với nhân viên, tạo cho họ sự thoải mái tối đa. Thậm chí, người ta còn bố trí sẵn những nơi nghỉ ngơi giải trí cho nhân viên, với phòng chơi cờ, máy Xbox, và có cả… xe đạp x-bike trong văn phòng. Nhân viên của Facebook có thể làm việc ở bất cứ đâu họ thấy thoải mái, bất cứ lúc nào họ thấy thoải mái. Tất nhiên, những điều trên, nếu áp dụng một cách rập khuôn và máy móc vào một doanh nghiệp ở Việt Nam có thể sẽ không phù hợp, rất có khả năng nhân viên sẽ bỏ bàn làm việc và… ra chơi Xbox với nhau suốt ngày. Nên nhớ rằng văn hóa của Facebook cũng như Google đã được xây dựng trong nhiều năm, chứ không phải đột ngột thay đổi từ thái cực này sang thái cực khác.
Nhân viên Facebook có thể làm việc thoải mái ở bất kì đâu
Nếu tôi là một người giỏi, điều gì sẽ giữ tôi lại cống hiến cho công ty khi tôi thấy những chân trời rộng mở hơn, trong khi bầu không khí làm việc này đã trở nên nhàm chán ? Tất nhiên, lương lậu và chế độ đãi ngộ cũng chiếm một phần quan trọng đấy, nhưng văn hóa công ty mới là thứ kết dính vững bền. Để mỗi người rời khỏi công ty, có thể họ sẽ tới với những cơ hội nghề nghiệp lớn hơn, nhưng ấn tượng tốt đẹp của nó vẫn ở lại với họ, dù là chỉ trong suy nghĩ.
(Theo vanhoadoanhnghiep.vn)