1.Quý trọng phẩm chất đạo đức.
Trong khi các nước Tây Âu và Mỹ chú trọng bồi dưỡng công nghệ chuyên ngành và giáo dục tri thức nghiệp vụ cho cán bộ công nhân viên thì Hàn Quốc lại hết sức coi trọng giáo dục phẩm chất đạo đức. Đặc biệt là trong các doanh nghiệp thuộc ngành Ngân hàng, Thương mại, Hàng không v.v… Giáo trình cơ bản và quan trọng nhất là giáo dục cho CBCNV phải lấy phong cách phục vụ làm mục đích chủ yếu, họ phải lễ độ và phải biết kiềm chế trong mọi trường hợp. Ngày nay, sự cạnh tranh trên thị trường diễn ra ngày càng gay gắt, đã làm cho một số doanh nghiệp nảy sinh ra khuynh hướng quý trọng năng lực và thành tích, nên ý thức ưu tiên năng lực cũng càng ngày càng được tăng cường, song coi trọng phẩm chất đạo đức của con người trong công tác quản lý CBCNV vẫn được các doanh nghiệp Hàn Quốc lấy làm trọng tâm và đây là nét đặc trưng chủ yếu của văn hoá Hàn Quốc.
Văn hóa Hàn Quốc - Văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc
2. Lấy sự trung thành với doanh nghiệp làm niềm vinh quang
Một trong những nét văn hoá doanh nghiệp Hàn Quốc là chú trọng bồi dưỡng đức tính trung thành của CBCNV đối với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ở Hàn Quốc đã biết kết hợp một cách kheó léo giữa mục tiêu của doanh nghiệp và của Nhà nước với lợi ích của từng CBCNV trong doanh nghiệp. Họ nhận thức được rằng, những đóng góp và cống hiến của mỗi CBCNV trong doanh nghiệp không chỉ mang lại sự phồn vinh cho doanh nghiệp, mà còn mang lại sự giàu có cho đất nước và cho từng cá nhân của doanh nghiệp.
3. Tạo dựng một bầu không khí "gia đình" trong doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp ở Hàn Quốc đã biết vận dụng một cách khéo léo các hình thức để thể hiện được sự quan tâm của doanh nghiệp đối với cán bộ CBCNV và gia đình họ trong mọi trường hợp, như quan tâm đến việc học hành của con cái họ hoặc trong gia đình CBCNV nào có hiếu hỷ, đều được doanh nghiệp trợ cấp đặc biệt. Bằng mọi cách, các doanh nghiệp cố gắng để cho CBCNV yên tâm với công việc của mình ở doanh nghiệp, bồi dưỡng cho họ có một tình cảm đối với doanh nghiệp như đối với gia đình họ.
4. Luôn tôn trọng thân thể và thể diện CBCNV, không ngừng bồi dưỡng cho họ ý thức tổ chức và kỷ luật cao.
Nội dung này được biểu hiện ở chỗ biết tôn trọng cấp trên, và mọi người, hết sức chú ý đến thể diện của mình và của người khác. Theo kết quả điều tra ở các doanh nghiệp Hàn Quốc thì khi giành được thành tích cao, có 82% số người nhận lời chúc mừng của người khác mà không cần phải đáp lại bằng vật chất, 89,4% số người vui lòng chọn lựa những doanh nghiệp có sự đối đãi tốt về nhân cách mà không chọn những doanh nghiệp trả mức lương cao. Ý thức tổ chức và kỷ luật của CBCNV trong các doanh nghiệp được biểu hiện ở chỗ, họ luôn kính trọng và phục tùng cấp trên, kính trọng người lớn tuổi.
Bước vào thế kỷ 21, sự phục tùng và kính trọng cấp trên của các doanh nghiệp Hàn Quốc so với trước đây có phần giảm sút, nhưng trong ý thức của đa số CBCNV thì vẫn cho rằng, phục tùng sự chỉ đạo của cấp trên là điều không thể thiếu được.
5. Quý trọng các quan hệ đặc biệt như họ hàng thân thích, cùng địa phương, bạn đồng môn v.v...
Ở Hàn Quốc, phần lớn đều áp dụng quyền sở hữu và quyền kinh doanh của các doanh nghiệp theo chế độ cha truyền con nối, cho nên những người có quan hệ đặc biệt với chủ doanh nghiệp thường được giao những trọng trách cao. Trong các doanh nghiệp Hàn Quốc, thường tồn tại rất nhiều các nhóm nhỏ như hội đồng hương, đồng môn, Kết quả điều tra của Hàn Quốc cho thấy có 59,5% số người cho rằng "trước khi vào làm việc ở một doanh nghiệp nào thì cần phải tìm hiểu và biết rõ lực lượng lãnh đạo của doanh nghiệp do nhóm nào hợp thành, sau đó mới quyết định có dự tuyển vào hay không". Khi đến một ngành hay một cơ quan nào đó liên hệ công tác, trước tiên cũng phải dò hỏi xem có người nào có mối quan hệ đặc biệt với mình không để có cơ hội tranh thủ đặt quan hệ trước.
6. Đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục và bồi dưỡng những người có tài
Để nhằm đào tạo và bồi dưỡng những người có nhiều năng lực và có trình độ, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã thực hiện những công việc sau đây:
a) Thuyên chuyển nhiều công việc đối với một người. Là những cán bộ làm công tác quản lý không chỉ cố định quản lý một lĩnh vực, mà phải được thay đổi, thuyên chuyển đến các lĩnh vực có liên quan, thông qua quá trình thuyên chuyển đó, nhằm giúp cán bộ đó học tập được nhiều chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng khác nhau, nhờ đó mà họ tích luỹ được nhiều kinh nghiệm. Thông qua thuyên chuyển nhiều loại công việc, sẽ giúp họ nắm được tri thức rộng hơn so với chỉ đơn thuần làm một việc lâu dài.
b) Không quy định cụ thể chức vụ hay lĩnh vực quản lý của cán bộ quản lý tức là không dừng lại ở một vị trí mà được thuyên chuyển đến những lĩnh vực có liên quan, để giúp họ nắm vững được kỹ thuật hoặc tri thức nhiều hơn.
c) Bằng mọi cách truyền bá văn hoá doanh nghiệp cho CBCVN, thường xuyên bồi dưỡng cho họ có tình cảm "yêu doanh nghiệp như gia đình mình", có tư tưởng "cùng hội cùng thuyền" "nhân hoà" và có tinh thần vượt gian khổ tạo lập sự nghiệp.
d) Thường xuyên tổ chức đào tạo lại nghề nghiệp cho CBCNV. Căn cứ vào công việc của từng người mà có những nội dung đào tạo khác nhau, trong đó bao gồm kỹ năng chuyên môn, triết học kinh doanh, ngoại ngữ v.v... Nhiều doanh nghiệp còn bỏ nhiều kinh phí để gửi những CBCNV có nhiều triển vọng ra nước ngoài học đại học, làm thạc sĩ, tiến sĩ. Sau khi học xong, những người này trở về làm việc tại doanh nghiệp đều được giao những cương vị quan trọng.
7. Tổ chức quản lý theo kiểu doanh trại.
Phần lớn các doanh nghiệp Hàn Quốc đều áp dụng hình thức tổ chức quản lý theo kiểu quân đội. Một mặt các doanh nghiệp thường xuyên truyền bá ý thức phục tùng cấp trên cho toàn thể CBCNV, luôn luôn bồi dưỡng ý thức trách nhiệm cho từng người. Mặt khác các doanh nghiệp chú ý nâng cao năng lực chỉ đạo thống nhất cho cán bộ lãnh đạo. Một số doanh nghiệp còn tổ chức huấn luyện dài, dã ngoại vào ban đêm ở những vùng núi cho những CBCNV mới vào làm việc ở doanh nghiệp, nhằm mục đích rèn luyện ý chí cho họ.
Văn hoá doanh nghiệp ở Hàn Quốc là nhằm tạo ra quy tắc ứng xử cho CBCNV mà không phải tạo ra tác dụng chỉ đạo. Cách làm này của các doanh nghiệp Hàn Quốc không chỉ có tác dụng thúc đẩy cho doanh nghiệp mình thực hiện được phương thức kinh doanh "lấy con người làm trung tâm", mà còn làm cho năng lực phát triển sản phẩm và năng lực đoàn kết hiệp đồng tập thể của doanh nghiệp trở nên phồn vinh, tăng thêm sự gắn bó của CBCNV với doanh nghiêp, nâng cao hiệu quả sản xuất./.
Danh Phong