Hotline Vietskill (cơ sở Tp. Hà Nội)
0912 354 699
vietskill.mc@gmail.com
Hotline Vietskill 2 (cơ sở Tp. Hà Nội)
0971 188 468
mc.vietskill@gmail.com
Tạ Huyền (cơ sở Tp. Hà Nội)
0975 152 705
tathihuyen95@gmail.com
Nguyễn Thanh Mai (cơ sở Tp. Hà Nội)
0984 888 884
thanhmai@vietskill.com.vn
Phạm Luân (Cơ sở TP Hà Nội)
0823 462 721
luanphamrvg@gmail.com
Minh Khuê (Truyền thông, tài trợ)
037 987 8386
khuedo35@gmail.com
Ngọc Lan (cơ sở Tp. HCM)
0906 994 331
vietskillhcm@gmail.com
Thi Thảo (cơ sở Tp. HCM)
0912 888 129
thithao.salata@gmail.com
LINK LIÊN KẾT
Tin tức Vietskill
QUẢNG CÁO
5 Cách Để Nhanh Chóng Nâng Cao Kỹ Năng Nói Chuyện Trước Đám Đông Của Bạn

5 Cách Để Nhanh Chóng Nâng Cao Kỹ Năng Nói Chuyện Trước Đám Đông Của Bạn

Ngày đăng: 16/03/2017 (Lượt xem: 1688)
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, 75% của sự thành công trong dài hạn phụ thuộc vào kỹ năng mềm (soft skills), và chỉ 25% phụ thuộc vào những kiến thức chuyên môn (hard skills). Và trong những kỹ năng mềm, thì kỹ năng nói chuyện trước đám đông là một trong những kỹ năng quan trọng nhất.

Trớ trêu thay, nói chuyện trước đám đông lại là một trong những nỗi sợ phổ biến nhất của hầu hết mọi người. Theo một cuộc khảo sát năm 2001 của Gallup, thì 40% số người được khảo sát cho rằng họ sợ phải nói chuyện trước đám đông. Nỗi sợ này đứng thứ nhì trong danh sách (chỉ sau nỗi sợ rắn – 50%), và cao hơn 11 nỗi sợ còn lại (như sợ độ cao, nhện, chuột, đi máy bay hay bóng tối).

Tại sao nỗi sợ nói chuyện trước đám đông lại phổ biến đến như vậy? Lý do là vì núp dưới nỗi sợ nói chuyện trước đám đông là một nỗi sợ phổ biến khác của hầu hết chúng ta: nỗi sợ bị phán xét. Có lẽ bạn cũng từng trải qua những cảm giác giống như tôi: cái cảm giác đứng trước mọi người, khi mà hàng chục, hàng trăm ánh mắt đang đổ dồn về phía mình, với một loạt những câu hỏi xoay quanh trong đầu bạn. Ôi Chúa ! Liệu họ sẽ nghĩ gì về mình đây? Liệu mình có trông ngu ngốc không nhỉ? Chắc họ sẽ mắc cười với cái giọng nói của mình lắm? Liệu mình có đang quên…kéo khóa quần không nhỉ?

Năm cấp 3 và những năm sau đó nữa, nhiều lần tôi đã trải qua cảm giác khủng khiếp ấy: cầm chiếc micro, run lẩy bẩy, chân tay lạnh ngắt, người cứng đờ, không nói được từ nào trong 2 – 3 phút, và được cô giáo “thương hại” kêu về chỗ trong sự tủi hổ và nhục nhã. Và cái nỗi nhục ấy đã làm tôi quyết tâm cải thiện việc nói chuyện trước đám đông của mình. May mắn thay, nhờ việc đầu tư tìm tòi, đọc sách, nghiên cứu các cách thức, khả năng thuyết trình của tôi đã được nâng cao đáng kể. Từ một thằng chúa ghét việc thuyết trình, nay tôi lại trở nên đam mê nó, yêu thích cái cảm giác tuyệt vời khi được cầm chiếc micro, và chia sẻ điều mình biết với mọi người.

Những phương thức trong bài viết này là những cách mà tôi cảm thấy hiệu quả nhất với mình trong việc nâng cao khả năng nói trước đám đông của mình. Và tôi hi vọng rằng chúng cũng có thể giúp bạn làm được điều đó:

1. Tìm cho mình một idol diễn thuyết

Có một con đường tắt được vẽ bởi những người đã đến nơi mà bạn muốn đến, quay lại và đưa cho bạn tấm bản đồ với một lộ trình ít tốn kém thời gian và đau khổ hơn” – Darren Hardy

Ba năm trước, tôi tham gia một lớp học phát triển bản thân mang tên “Leading Life – Setting Mind” (Thay đổi tư duy – Làm chủ vận mệnh) của tập đoàn tư vấn triển khai Toppion. Trong khóa học, người trainer chính, và cũng là Chủ tịch HĐQT của Toppion bây giờ, anh Loan Văn Sơn, đã chia sẻ một khái niệm khá lạ: NLP – Neuro Linguistic Programing (Lập trình ngôn ngữ tư duy). Anh nói rằng NLP, nghe có vẻ phức tạp như vậy, nhưng có thể hiểu nôm na nó là sựbắt chước: Với bất cứ một kỹ năng nào mà bạn muốn cải thiện, dù đó là diễn thuyết, kể chuyện hài, hay thậm chí kinh doanh hay lãnh đạo, con đường ngắn nhất để đạt được kỹ năng ấy là hãy tìm cho mình một idol (thần tượng) trong kỹ năng ấy, và bắt chước theo những gì người ấy làm.

Lời chia sẻ này gần như làm tôi tỉnh giấc, nó giống như một chiếc phao cứu sinh cho một đứa đang ngoi ngóp trong kỹ năng thuyết trình như tôi. Và khi quay trở lại cuộc sống thật, tôi quyết định anh Loan Văn Sơn cũng sẽ trở thành hình mẫu về kỹ năng thuyết trình cho tôi (một phần quan trọng là vì tôi yêu thích anh, và cảm thấy cách nói của anh sẽ phù hợp với cách nói của mình). Tôi lên mạng tìm tất cả những video clip của anh, và sau đó bắt chước theo cách anh diễn thuyết: ngôn ngữ cơ thể, hơi thở, khẩu hình miệng, cách đi đứng, v.v..

Lần áp dụng chính thức đầu tiên phương pháp này của tôi là trong môn quản trị học, đề tài mô hình SWOT. Lần đầu tiên tôi nói với một cảm giác say mê như thế, khi mà cả giảng đường im phăng phắc chăm chú nghe tôi thuyết trình, và xen lẫn những ánh mắt đầy ngạc nhiên. Kết thúc buổi trình bày, bạn bè vỗ vai, nhiều đứa còn đòi bắt tay tôi, với những lời khen như “lột xác” hay “bản lĩnh”. Một kết quả đầy mĩ mãn, tự hào. Nhìn thấy sự hiệu quả và thay đổi nhanh chóng, tôi tiếp tục áp dụng phương pháp này vào những lần thuyết trình trong giảng đường, và những cuộc thi trong trường. Với phương pháp mới, những kết quả, giải thưởng cũng đến với tôi: giải nhất cuộc thi Thẩm định giá, giải nhất cuộc thi hùng biện tiếng Anh Sinh viên toàn cầu, giải nhì cuộc thi thuyết trình sách Books and you, và trở thành Chủ nhiệm câu lạc bộ sinh viên (mặc dù tôi phải thừa nhận rằng có những cuộc thi mà kiến thức của tôi thua kém xa những sinh viên khác). Một cuộc lột xác khá ngoạn mục, đến từ một cách thức khá đơn giản.

Vì vậy, nếu bạn muốn cải thiện kỹ năng thuyết trình, có lẽ đã đến lúc bạn thử tìm cho mình một idol trong kỹ năng này. Có rất nhiều nguồn mà bạn có thể tìm kiếm: những thầy cô trong trường, những diễn giả truyền cảm hứng, những doanh nhân, nhà lãnh đạo nổi tiếng, hay những chính trị gia, v.v… Bạn nên tìm một người có cùng giới tính với bạn, và bạn cảm thấy yêu thích, và cảm thấy cách nói của người đó phù hợp với riêng mình. Sau khi đã tìm được, hãy bắt chước theo phong cách nói của người ấy. Và tôi hi vọng rằng bạn sẽ có thể cải thiện kỹ năng thuyết trình của mình một cách đáng kể và nhanh chóng.

2. Hình dung, tưởng tượng

Nếu bạn có thể hình dung nó, bạn có thể đạt được nó” – William Arthur Ward

Tại thời điểm này trong cuộc sống của bạn, ngôi nhà mà bạn đang sống, chiếc xe mà bạn đang đi, hay chiếc điện thoại mà bạn đang sử dụng, tất cả đều bắt nguồn từ trí tưởng tượng của con người. Trí óc của chúng ta có khả năng sản sinh ra những suy nghĩ, ý tưởng và hình ảnh, cả tích cực lẫn tiêu cực.

Bộ não của con người cũng không thể phân biệt sự khác nhau giữa “thực tế” và những hình ảnh chỉ diễn ra trong trí óc. Bạn có bao giờ có một cơn ác mộng, sau đó thì bật tỉnh dậy với tim đập thình thịch và mồ hôi nhễ nhại chưa? Hay bạn có bao giờ xem một bộ phim kinh dị, run cầm cập dù biết rằng nó không hề có thật?

Trong thể thao, các vận động viên sử dụng trí tưởng tượng để đạt kết quả mà họ mong muốn. Một cuộc nghiên cứu ấn tượng của đại học Chicago đã chia những vận động viên bóng rổ ra làm 3 nhóm, kiểm tra họ về khả năng ném rổ. Sau đó, mỗi nhóm được hướng dẫn như sau: Nhóm 1 không hề tập luyện ném rổ trong vòng 30 ngày; Nhóm 2 tập luyện ném rổ mỗi ngày trong vòng 30 ngày; và Nhóm 3 tập luyện ném rổ chỉ trong trí óc họ (tức là tưởng tượng) trong 30 ngày. Sau 30 ngày, 3 nhóm được kiểm tra khả năng ném rổ lại, và kết quả như sau: Nhóm 1 không có bất kỳ một cải thiện nào (đúng như kỳ vọng); Nhóm 2 cho thấy một sự cải thiện lên 24% (không phải điều gì to tát lắm vì họ luyện tập trong 30 ngày); và Nhóm 3 cho thấy sự cải thiện 23% (đầy ấn tượng vì thậm chí họ đã không nhìn thấy trái banh trong 30 ngày).

Vậy bạn có thể áp dụng kỹ thuật này vào việc nói chuyện trước đám đông của mình như thế nào? Trước mỗi buổi thuyết trình, hãy dành thời gian để nhắm mắt lại và tưởng tượng đến những kết quả mà bạn mong muốn: bạn đang xuất hiện một cách đầy ấn tượng và tự tin trước mọi người, bạn cảm thấy đầy hào hứng và say mê, tất cả mọi người say sưa lắng nghe bạn diễn thuyết, những tràn pháo tay không ngớt khi bạn hoàn tất, mọi người tung hô bạn, khen ngợi và ngưỡng mộ với màn trình diễn của bạn. Bạn càng tưởng tượng nhiều, các hình ảnh càng cụ thể và sống động, thì những điều ấy càng dễ dàng biến thành sự thật trong buổi thuyết trình của bạn.

3. Chuẩn bị kỹ lưỡng và Tập luyện thường xuyên

“Nếu bạn thất bại trong việc lập kế hoạch, là bạn đang lập kế hoạch cho việc thất bại” – Benjamin Franklin.

Nghiên cứu của đại học Chicago nêu trên cho chúng ta thấy một điều quan trọng khác: bạn có thể áp dụng kỹ thuật hình dung, tưởng tượng, nhưng để nâng cao khả năng của mình lên một mức cao hơn nữa, thì tập luyện liên tục là một điều hết sức cần thiết. Hãy nhớ đến câu nói nổi tiếng của Lý Tiểu Long (Bruce Lee): “Tôi không sợ người luyện tập 10.000 cú đá một lúc, mà tôi sợ người chỉ tập 1 cú đá nhưng 10.000 lần”.

Trước một buổi thuyết trình, hãy chuẩn bị thật kỹ lưỡng: bạn sẽ nói những gì (nếu được thì bạn hãy ghi ra tất cả những điều bạn sẽ nói, kể cả lời chào, lời giới thiệu, v.v..), slide power point sẽ được trình chiếu như thế nào, những câu hỏi nào mà người nghe có thể đặt ra cho bạn, v.v..? Sau đó, hãy tập nói, tập càng nhiều càng tốt, thậm chí là 5 lần, 7 lần, 10 lần đến khi nào bạn cảm thấy thỏa mãn, thuần thục và nhuần nhuyễn. Bạn càng tập luyện nhiều, bạn sẽ càng trở nên tự tin hơn. Hãy biến buổi thuyết trình của bạn thành một “buổi biểu diễn hoành tráng”, nơi mà bạn là một người diễn viên đã tập luyện kỹ càng và thuộc nằm lòng lời thoại vai diễn của mình.

4. Xử lý nỗi sợ hãi của bạn

“Những người thành công và không thành công đều không muốn và không thích làm cùng một thứ, nhưng những người thành công sẽ làm điều đó dù thế nào đi nữa” – trích sách The Compound Effect, Darren Hardy.

Đừng lo, bạn không phải là người duy nhất có nỗi sợ về việc nói chuyện trước đám đông đâu. Gần một nửa dân số thế giới có cùng nỗi sợ giống như bạn. Thậm chí cả những người thuyết trình chuyên nghiệp cũng vẫn thường xuyên có những cảm giác hồi hộp, buồn nôn trước buổi nói chuyện của họ.

Một điều quan trọng mà bạn cần biết về nỗi sợ là nó không đáng sợ như bạn nghĩ, nếu như bạn chấp nhận nó, và đối diện với nó (thay vì trốn chạy khỏi nó). Bộ não của chúng ta có xu hướng nghĩ về những kết quả tồi tệ nhất mà nó có thể nghĩ ra được. Bạn có bao giờ trải qua một tình huống mà bạn làm điều mà bạn cảm thấy sợ hãi, và khi bạn làm xong nó, bạn nhận ra nó chưa bằng một nửa những điều bạn lo lắng không? Cách tốt nhất để xử lý cảm giác sợ hãi của bạn là hãy chấp nhận nó, nhưng  hãy đối diện với nó, làm ngay việc mà bạn nên làm và cần phải làm, bất chấp nỗi sợ hãi của bạn.  Ngược lại, khi bạn không chấp nhận sự sợ hãi của mình, và tìm cách trốn chạy khỏi nó, nó sẽ chỉ lởn vởn xung quanh bạn, với một mức độ ngày càng tồi tệ hơn, đến một lúc bạn thấy mình cứng đờ và chẳng thể làm gì được nữa.

Theo đó, khi bạn chuẩn bị lên sân khấu, và thấy mình đang sợ hãi, run rẩy, hồi hộp, chân tay tê cứng, hãy chấp nhận nỗi sợ hãi, nhưng đừng để nó ngăn bạn thực hiện phần trình bày của mình (mà bạn đã tốn hàng giờ đồng hồ bắt chước theo idol của bạn, hình dung, tưởng tượng, chuẩn bị và tập luyện). Hãy làm nó, dù thế nào đi nữa. Hãy cầm micro lên, nhìn khán giả, và bắt đầu nói. Một cách tự nhiên, nỗi sợ hãi của bạn sẽ dần dần biến mất.

5. Bề ngoài và Ngôn ngữ cơ thể

Bề ngoài:

Hãy đảm bảo bề ngoài khiến bạn tự tin. Nếu bạn không tự tin vào mình, thì ai sẽ tin vào bạn đây? Hãy chọn trang phục đẹp nhất, chuyên nghiệp nhất, và phù hợp nhất nữa. Hãy cắt tỉa tóc tai tươm tất, gọn gàng, và một ít nước hoa cũng có thể tốt cho bạn.

Ngôn ngữ cơ thể

“Bạn không cười vì bạn hạnh phúc, mà bạn hạnh phúc vì bạn cười” – Richard Wisemen

Cuốn sách Dám khác biệt của tiến sĩ Richard Wisemen đã chỉ ra một điểm cực kỳ quan trọng: Cảm xúc của bạn và cơ thể của bạn có mối quan hệ mật thiết lẫn nhau. Đầu tiên, cảm xúc của bạn ảnh hưởng đến cơ thể của bạn. Nếu bạn cảm thấy buồn bã, chán nản, thì bạn cũng sẽ thấy cơ thể mình ủ rũ, chán nản. Nếu bạn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, có thể bạn thấy mình đang cười thật to.

Nhưng liệu điều ngược lại có đúng không? Liệu bạn có thể thay đổi trạng thái cảm xúc của mình, bằng cách thay đổi ngôn ngữ cơ thể? Bạn hãy thử xem: bạn hãy ngồi xuống, buông lỏng tay chân, đầu gục xuống bàn, mắt nhìn xuống đất. Bạn có cảm thấy mình có cảm xúc buồn bã không. Giờ hãy làm ngược lại: hãy đứng dậy, mỉm cười thật tươi, bàn tay nắm lại như thể “tôi là số 1”. Bạn có thấy mình tự tin, phấn khích hơn hẳn không? Bạn không thể trực tiếp thay đổi cảm xúc của mình, nhưng có một cách đơn giản hơn để làm điều đó là thay đổi cử chỉ cơ thể của bạn.

Giờ hãy áp dụng điều ấy cho buổi thuyết trình của bạn. Bạn đang cảm thấy sợ hãi ư? Cứ mặc kệ nó, và điều khiển cơ thể như thể nó đang cảm thấy đầy tự tin và năng lượng. Hãy đứng thẳng người, ở tư thế mở, cơ thể hướng thẳng vào phía khán giả. Việc có một cơ thể “giả vờ tự tin” hay “giả vờ dũng cảm” sẽ đem lại cho bạn sự tự tin và dũng cảm thật sự.

Bạn hãy thử những cách thức trên trong lần thuyết trình kế tiếp của bạn. Đã đến lúc cho mọi người ngạc nhiên, trầm trồ với sự “lột xác” của bạn. Hãy để lại lời comment nếu bạn cảm thấy một cách thức nào trên đây hiệu quả với mình, hoặc bạn cũng có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm của bạn trong lĩnh vực này.


Nguồn : nghethuatlanhdao360.com