1. BẠN ĐANG NÓI CHUYỆN VỚI AI?
Dù nói chuyện trong cuộc họp hay chỉ là chuyện phiếm nơi quán cà phê, bạn cũng cần phải hiểu rõ đối tượng tiếp nhận: họ là ai, ở vào độ tuổi nào, có tính cách đặc trưng là gì, họ thích nghe chuyện gì, họ có mối quan hệ như thế nào với bạn? Mỗi đối tượng đòi hỏi một cách nói chuyện khác nhau, và bạn nên khéo léo áp dụng. Không nên bỡn cợt, bông đùa quá lố với người lớn tuổi và trái lại, với người nhỏ tuổi hơn hoặc ngang hàng mà nói chuyện khô cứng, nghiêm túc thì sẽ rất nhàm chán.
2. HÃY TẬN DỤNG GIỌNG ĐIỆU VÀ NGÔN NGỮ CƠ THỂ KHI NÓI CHUYỆN
“Các cậu không tin được đâu, đã có ba người bị thương vì bị rơi xuống cái ống cống gần nhà tớ chỉ sau 2 ngày mưa đấy!” – Với câu nói hết sức cảm thán này, hãy lên giọng, xuống giọng cho phù hợp, và bạn có thể mở to mắt để lộ vẻ ngạc nhiên, từ đó truyền cảm xúc ngạc nhiên sang người khác một cách hiệu quả hơn.
3. SỬ DỤNG MỘT GIỌNG NÓI CHUẨN ĐỂ NÓI CHUYỆN HAY
Phát âm rõ ràng, ngắt câu đúng chỗ và điều chỉnh tốc độ nói phù hợp. Hãy ngừng lại một chút trước khi đưa ra một quan điểm hoặc một kết thúc, một cái chốt cho vấn đề để đảm bảo thông điệp bạn truyền đi đủ ấn tượng và khác biệt, khiến người khác phải lắng nghe.
4. ĐỪNG LƯỠNG LỰ KHI NÓI CHUYỆN VỚI NGƯỜI KHÁC
Tránh những tiếng “ừm”, “à”. Đồng nhất và loại bỏ thói quen lặp đi lặp lại một từ nào đó. Người nghe cũng sẽ khó chịu khi bạn nhắc đi nhắc lại những câu: “bạn biết đấy” (có phải bạn muốn hét to “Không, tôi không biết vấn đề này”…) hoặc “biết không, đúng không nhỉ, thực ra là thế này…”
5. CHỌN TỪ NGỮ NHƯ THẾ NÀO ĐỂ NÓI CHUYỆN HAY?
Nhiều bạn tự ti về cách nói chuyện của mình là vì các bạn hơi nghèo ngôn ngữ, không biết diễn đạt sao cho hay cả. Muốn có vốn từ vựng phong phú, không còn cách nào khác là bạn phải đọc nhiều sách văn học, nghe đài nhiều (thay vì đọc báo để xem tin tức, bạn có thể nghe radio để học cách diễn đạt của phát thanh viên). Năng nổ tham gia các hội thảo miễn phí để xem cách diễn giả nói chuyện, bạn cũng “lượm lặt” được cho mình vài mánh nói chuyện hay đấy
6. KHI NÓI CHUYỆN, NÓI ÍT THÔI, NHƯNG ĐỦ Ý
Đừng nói quá nhiều, lan man và chẳng có chủ đề cụ thể. Sử dụng câu văn dài dòng để diễn đạt một vấn đề đơn giản cũng làm người đối diện mệt mỏi vì bạn đấy. Hãy học cách rút gọn câu (nói ngắn không có nghĩa là nói cộc lốc đâu nhé), bù lại hãy trau chuốt câu nói của bạn sao cho chân thực, tự nhiên, sinh động và gần gũi nhất.
7. DÁNG VẺ TỰ NHIÊN NÓI CHUYỆN SẼ HAY HƠN
Hãy tập cho mình một vẻ ngoài tự nhiên, từ trang phục đến giọng nói. Nhiều người truyền tải câu chuyện không thuyết phục là vì cách nói của họ không được tự nhiên, gây cảm giác cho người đối diện là họ đang đóng kịch.
Thái độ nghiêm túc rất quan trọng, nhưng cũng cần cho nó một chút sinh động. Bạn có thể thay đổi linh hoạt cung cách của mình, đừng chỉ “cứng đơ” như một khúc gỗ. Song cũng đừng làm dụng việc dùng chân tay để bổ trợ cho lời nói: cái gì quá cũng không tốt.
8. CUỐI CÙNG, NGUYÊN TẮC ĐỀ NÓI CHUYỆN HAY LÀ…
Hãy luôn là chính mình. Chân thật, thoải mái, tự tin…sẽ làm nên sự cuốn hút trong lời nói của bạn.
Chúc bạn thành công.