Hotline Vietskill (cơ sở Tp. Hà Nội)
0912 354 699
vietskill.mc@gmail.com
Hotline Vietskill 2 (cơ sở Tp. Hà Nội)
0971 188 468
mc.vietskill@gmail.com
Tạ Huyền (cơ sở Tp. Hà Nội)
0975 152 705
tathihuyen95@gmail.com
Nguyễn Thanh Mai (cơ sở Tp. Hà Nội)
0984 888 884
thanhmai@vietskill.com.vn
Phạm Luân (Cơ sở TP Hà Nội)
0823 462 721
luanphamrvg@gmail.com
Minh Khuê (Truyền thông, tài trợ)
037 987 8386
khuedo35@gmail.com
Ngọc Lan (cơ sở Tp. HCM)
0906 994 331
vietskillhcm@gmail.com
Thi Thảo (cơ sở Tp. HCM)
0912 888 129
thithao.salata@gmail.com
LINK LIÊN KẾT
Tin tức Vietskill
QUẢNG CÁO
Cách sửa tật nói ngọng ở trẻ

Cách sửa tật nói ngọng ở trẻ

Ngày đăng: 20/05/2014 (Lượt xem: 1814)

99,9% trẻ nói ngọng trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 tuổi, vì vậy khi con nói ngọng, cha mẹ không nên quá lo lắng về vấn đề này. Cùng với sự phát triển của cơ thể, các bộ phận, chức năng của bé sẽ hoàn thiện theo thời gian. Tuy nhiên tuyệt đối không nói ngọng theo trẻ.  

Từ 2-3 tuổi trẻ chưa nói được tròn vành, rõ chữ vì ở lứa tuổi này trẻ đang trong quá trình phát triển về âm, nếu được sửa trẻ có thể tự điều chỉnh nói cho đúng. Đến năm 4-5 tuổi trẻ mới định hình được cách phát âm. 6 tuổi, trước khi đi học, được coi là chuẩn mực để xác định trẻ có nói ngọng hay không.   

Nếu con nói ngọng, làm cách nào để sửa tật nói ngọng cho con? Chúng ta hãy cùng Benh.vn tham khảo các phương pháp để con có thể phát âm đúng chuẩn mực.

Nói ngọng là hiện tượng rối loạn ngôn ngữ 

Ngôn ngữ của trẻ được hình thành trên cơ sở các phản xạ có điều kiện, dựa trên tác động của các yếu tố từ môi trường bên ngoài kích thích vào trung tâm nghe.

 

Nói ngọng là hiện tượng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ 

(Ảnh minh họa)


Nếu có sự trục trặc nào đó trong quá trình hình thành ngôn ngữ sẽ xảy ra hiện tượng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ, điển hình là ngọng.  

Có 2 dạng nói ngọng

- Nói ngọng sinh lý: cơ quan phát âm có lỗi bẩm sinh như ngắn lưỡi, đầy lưỡi...

- Nói ngọng mang tính xã hội: phát âm lệch so với chuẩn. 

Nguyên nhân gây nên nói ngọng

- Là do trẻ tự bóp méo âm thanh để truyền đạt ý mình cho người khác hiểu theo suy nghĩ riêng của trẻ.

- Cha, mẹ không sửa ngay những từ nói sai, khiến trẻ tạo thành thói quen mà lặp lại.

- Cha mẹ và những người xung quanh sử dụng sai ngôn ngữ khiến con cái bắt chước.

 

Con nói ngọng vì bố mẹ phát âm sai 

(Ảnh minh họa)


- Một số bệnh khi trẻ mắc phải gây khó thở, ngạt mũi khiến khi nói trẻ phải thè lưỡi ra để phát âm cũng là nguyên nhân khiến trẻ nói ngọng. 

Chia sẻ của các bà mẹ 

Chị Nga, Đống Đa Hà Nội

“Khi con gái tôi ngoài 2 tuổi, cháu bị ngọng hết chữ cái đầu như ‘con gà’ thành ‘on à’, ‘mẹ thành ẹ’, ‘bố thành ố’... Một thời gian uốn nắn, bé cũng có tiến bộ hơn nhưng lại chuyển sang một thể ngọng khác: "Cái kéo" thành “cái kéng”, “con mèo” thành “con mèng”, “con kiến” thành “kiếng”... Kiên trì hướng dẫn con bằng cách cùng con nhắc lại thật chậm những âm con nói sai...đến nay sau hơn 1 năm (cháu đã 3,5 tuổi) tật nói ngọng của cháu gần như đã mất hẳn”

Chị Thúy, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Khi chia sẻ với chúng tôi, chị Thúy tâm sự “ Tôi có hai cậu con trai, vì vỡ kế hoạch nên thời gian sinh 2 cháu rất gần nhau: cháu lớn  hơn 3 tuổi, cháu nhỏ 2 tuổi nên gia đình phải nhờ người giúp việc trông nom. Không biết có phải bắt chước nhau không mà hai đứa đều nói ngọng như nhau. Mỗi khi trên TV có chương trình Gangnam style, thì chúng hát và nhảy theo..... nhưng, chẳng ai hiểu chúng hát gì mà chỉ nghe được “gangnam style” thành “anglam tyle”... Ngoài việc bỏ chữ đầu thì những âm chữ “n” chúng đều phát âm thành chữ “l” vì học theo bác giúp việc người Nam Định. Sợ con mình bắt chước, tạo thành thói quen không sửa được nên tôi đành phải cho bác giúp việc nghỉ và lấy người khác. Tôi chưa biết làm thế nào để sửa tật nói ngọng cho bọn trẻ” 

Nhận xét của các chuyên gia 

Thạc sĩ Hoàng Đình Ngọc, Phó giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương cho biết: “Một số trường hợp, chính cách phát âm không chuẩn của cha mẹ khiến trẻ học theo, và nói ngọng chứ không phải do mắc bệnh. Việc phát âm là sự cộng hưởng của nhiều bộ phận, từ khu vực tiếp nhận âm thanh (tai) cho đến các phần góp vào sự phát âm: miệng, lưỡi, răng, môi, thanh quản... Lưỡi quá to, quá dày, răng cửa trên bị khe hở... đều có thể gây ra lỗi phát âm".

Phó giáo sư -Tiến sĩ ngữ văn Phạm Văn Tình, Phó Tổng biên tập Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, Viện Khoa học xã hội Việt Nam

“Nói ngọng là cách phát âm không bình thường so với cách cộng đồng vẫn nói. Để sửa tật nói ngọng, vai trò của nhà trường rất quan trọng. Trước hết phải để bản thân trẻ nhận thức được rằng cách nói đấy là sai, nghe buồn cười, phải tập phát âm lại nhiều lần để uốn nắn lại....

Bên cạnh đó, cũng cần phải có sự phối hợp từ phía cộng đồng (gia đình, xã hội). Nếu chỉ cô giáo sửa lỗi ở trường thì chưa đủ nếu về nhà ông bà, bố mẹ không lưu ý sửa. Áp lực của cộng đồng nhiều khi rất lớn. Nó có thể làm mất đi các kỹ năng ngôn ngữ mà trẻ học được từ lớp học. Bởi cộng đồng mới là môi trường sinh ngữ chính của trẻ", phó giáo sư Tình khuyến cáo.

 

Phối hợp giữa gia đình và nhà trường chữa tật nói ngọng ở trẻ 

(Ảnh minh họa) 


Tránh các tác nhân hình thành nói ngọng 

Các cơ hàm yếu 

Cơ hàm yếu là nguyên nhân gây nói ngọng. Vì vậy, bố mẹ cần luyện tập cơ hàm cho con bằng phương pháp: nhai bánh quy giòn, trái cây, rau, các loại thịt…để con có cơ hàm khỏe mạnh. 

Các cơ má và lưỡi 

Tập động tác súc miệng. Dạy con lăn một vật từ má này sang má khác để con có cơ má và cơ lưỡi mềm mại. 

Bệnh dị ứng, cảm lạnh & viêm xoang

Các căn bệnh về đường hô hấp khiến trẻ ngạt mũi phải thở bằng miệng....dẫn đến phát âm khó hoặc sai từ. Vì vậy khi con bị các bệnh trên, bố mẹ phải điều trị triệt để bệnh cho trẻ, để trẻ thở tự nhiên cả bằng mũi và miệng. 

Cha mẹ phát âm không chuẩn 

Khi cha mẹ phát âm không chuẩn, nhất là  âm “l” và “n” khiến bé nhầm lẫn về âm sắc. Vì vậy, cha mẹ cần học cách phát âm thật chuẩn, là tấm gương để con học theo.  

Phương pháp sửa nói ngọng  

- Giúp bé thoải mái, thả lòng người và thật bình tĩnh trước khi nói.

- Không hỏi dồn khiến bé lúng túng, nói lắp, ngọng...

- Dạy bé cách đặt lưỡi thế nào, hơi bật ra làm sao và làm mẫu để bé dễ dàng bắt chước và học theo.

- Nói chuyện, hát cho bé nghe: dùng từ ngữ thật chuẩn và thường xuyên, bé sẽ có một quá trình để bắt chước theo những bài hát, câu chuyện mà bạn kể.

 

Khắc phục tật nói ngọng bằng phương pháp kể chuyện cho trẻ 

(Ảnh minh họa)


- Với những từ bé bị ngọng chúng ta sẽ kể lại phần đó nhiều lần để bé ghi nhớ và làm theo.

- Cho bé tiếp xúc với môi trường rộng lớn bên ngoài. Việc tăng cường những hoạt động giao tiếp, nhất là ở chỗ đông người sẽ khiến bé nhanh nhẹn, mau miệng hơn.   

- Hạn chế để bé tiếp xúc với người hay bị nói ngọng.

- Khi con ngọng, tuyệt đối không nhại lại, điều này khiến bé sẽ không ý thức được việc phát âm chuẩn là việc nên làm. 

Lưu ý:  

- Cha mẹ nên kiên trì trong việc dạy bé nói, không nôn nóng. 

- Nếu nghi ngờ bé nói ngọng xuất phát từ yếu tố bệnh lý, cần đưa con đi khám ngay.   

Lời kết: 

“Dạy con từ thủa còn thơ”, uốn nắn lời ăn, tiếng nói... cho trẻ là trách nhiệm của các ông bố, bà mẹ. Để trẻ không bị nói ngọng, những người trong gia đình: ông, bà, bố, mẹ, anh chị em...cần phát âm chính xác giúp bé có một chuẩn mực để học theo.

Hết mẫu giáo chuẩn bị vào lớp 1, nếu trẻ vẫn còn hiện tượng nói ngọng thì bố, mẹ hãy đưa trẻ đi khám và tư vấn bởi các bác sỹ chuyên nghành để kịp thời  khắc phục “bệnh” nói ngọng cho trẻ.  



Benh.vn