Kỹ năng nói là một trong những kỹ năng rất quan trọng trong các mốc phát triển đầu đời của trẻ. Thực tế, trẻ có thể tiếp nhận thông tin, nghe hiểu thông tin từ giai đoạn rất sớm, cho dù trẻ chưa thể diễn đạt bằng câu từ. Ngay sau khi chào đời, não bộ bé đã rất phát triển và gần như hoàn thiện đầy đủ để tiếp nhận những thông tin bên ngoài. Không phải ngẫu nhiên mà một em bé 9 tháng tuổi có thể bập bẹ nói “bà bà”, “mẹ mẹ”. Thực tế để bé có thể phát ra những âm thanh gần giống từ ngữ như vậy, bé đã có sự chuẩn bị dài từ trước. Sự chuẩn bị này, một phần từ chính não bộ của bé, nhưng phần nhiều hơn là từ những tác động bên ngoài, cụ thể là bé được nói chuyện và tham gia vào câu chuyện cùng bố mẹ.
Ngay sau khi chào đời, não bộ bé đã rất phát triển, gần như hoàn thiện đầy đủ để tiếp nhận những thông tin bên ngoài.
Nghe có vẻ như…hoang đường. Chúng ta luôn mặc định rằng “trẻ mới sinh ra thì biết cái gì”, “chỉ có ăn và ngủ thôi”, nhưng mọi chuyện khác xa với những gì chúng ta tưởng tượng. Chẳng phải rằng các chuyên gia nhi khoa đều khuyên rằng bố mẹ nên giao tiếp, nói chuyện với con ngay sau khi con chào đời hay sao? Có rất nhiều nghiên cứu khoa học uy tín chỉ ra rằng hoạt động bé yêu thích nhất ngay sau khi chào đời là được nghe giọng nói của mẹ. Nếu không tin, bạn cứ thử bế một em bé sơ sinh lên, để mặt sát mặt bé và nói những câu từ đơn giản. Khẩu hình miệng càng rõ ràng, nét mặt càng biểu cảm, âm vực giọng nói càng lên bổng xuống trầm thì bé càng “mắt chữ O, mồm chữ A” nhìn bạn. Lúc này chắc chắn bé chưa thể hiểu gì, nhưng não bộ đã tiếp thu ngôn từ một cách nhanh chóng nhất có thể. Trong giai đoạn ngắn thôi, bé sẽ học được cách phân biệt âm thanh, giọng nói của người thân với người lạ.
Hết tháng thứ 3, bé có những phát triển nhanh chóng, vượt bậc về khả năng ngôn ngữ. Bé bắt đầu phát ra những phụ âm, bắt đầu hiểu, ngoảnh lại khi có ai đó gọi tên mình. Trong những tháng tiếp theo, vốn từ của bé dần dần đa dạng hơn. Dù có thể bé chưa nói được, nhưng nếu mẹ chỉ vào cái quạt và cho bé biết, lần sau mẹ hỏi bé cái quạt đâu, bé sẽ chỉ đúng hướng có cái quạt đó.
Bố mẹ nào cũng mong con mình thông minh vượt trội, cho con nghe nhạc giao hưởng từ sớm, dạy con bằng flash-card hoặc chất đầy nhà với những món đồ chơi thông minh. Tất nhiên không thể phủ nhận tác dụng phần nào đó của những phương pháp đó nhưng bố mẹ cần hiểu rằng khả năng ngôn ngữ cũng là một dạng của trí thông minh. Kích thích trí thông minh của con bằng cách nói chuyện với con hàng ngày là cách đơn giản nhất, nhưng lại có rất ít người thực hiện được.
Việc trẻ gặp khó khăn trong vấn đề giao tiếp, chuyển tải ngôn ngữ cũng được coi là một trong những dấu hiệu nhận biết bé phát triển không bình thường, có thể mắc chứng bệnh tâm lý nào đó. Ngay từ giai đoạn 4 – 7 tháng tuổi, nếu bé không có phản ứng giao tiếp với người thân và giai đoạn 8 – 12 tháng tuổi, nếu bé không thể nói tròn vành rõ chữ bất cứ từ nào, không giao tiếp bằng cử chỉ, thì bố mẹ nên cho bé đi khám ngay.
Nói vậy để hiểu vai trò của bố mẹ, ông bà trong việc hình thành khả năng ngôn ngữ của trẻ là rất lớn. Thế nên mới có chuyện biết bao em bé cả ngày ở với người giúp việc trở nên lầm lì, ít nói, thậm chí phát triển thành bệnh tự kỷ.
Trong giai đoạn đầu đời này, bé chưa cần phải học gì đó quá cao siêu. Bố mẹ cũng đừng vội mong con mình sẽ thành thiên tài, biết đọc, biết viết sớm, mà điều đơn giản nhất và cũng là điều bé cần nhất, đó là được thường xuyên giao tiếp, nói chuyện với bố mẹ.
Sau đây là những nguyên tắc bắt buộc bố mẹ cần phải nhớ khi đồng hành cùng con học nói, học giao tiếp.
1. Luôn gọi tên mọi đồ vật thân thuộc trong nhà
Tận dụng mọi cơ hội để nói cho trẻ biết tên các đồ vật thân thuộc trong nhà hay những loại quả bé thường thấy hoặc là cả những món đồ chơi của bé. Bố mẹ hãy dùng những từ đơn giản, nói rõ ràng, dứt khoát. Lặp đi lặp lại thói quen này, dần dần não bộ bé sẽ thu nhận vốn từ vựng rất lớn.
2. Thống nhất về ngôn ngữ
Ông, bà, bố, mẹ nên có sự thống nhất về ngôn ngữ khi dạy bé nói. Không thể cùng một từ, một hành động, mà nói theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ như khi nói bé “bú sữa nhé”, thì cả nhà nên thống nhất dùng từ đó, không nên người thì nói rằng “bú ti”, người thì nói là “tu ti”, bé sẽ bị loạn ngôn ngữ.
3. Nói những câu đơn giản
Thường xuyên nói chuyện với bé, nhưng không phải là nói chuyện theo giọng điệu kể lể, phức tạp, mà nên dùng những câu ngắn gọn, đơn giản. “Con đói không”, “con đói chưa”, “con no chưa”, “nhìn này”, “con ăn hết rồi này”…là những câu đơn giản nên nói với bé.
4. Kết hợp cả dạy ngôn ngữ hình thể
Tăng cường dạy ngôn ngữ hình thể cho bé như dùng tay vừa chỉ đồ vật vừa nói hoặc cho bé lựa chọn mặc bộ quần áo này, hay bộ quần áo kia là những cách đơn giản nhất giúp bé phát triển đầy đủ cả ngôn ngữ nói và hình thể.
5. Khuyến khích con nói
Dù bố mẹ có thể bắt ý và hiểu ý của bé rất nhanh, nhưng đừng nói hộ bé. Hãy khuyến khích bé diễn đạt bằng ngôn ngữ. Nên nhẹ nhàng, nếu bé khó chịu thì dừng lại ngay. Khi bé nói được đúng câu, cần khen ngợi bé.
6. Nhanh chóng sửa lỗi cho con
Nếu bé nói sai, diễn đạt sai, cần ngay lập tức sửa lỗi và nhắc lại câu đúng cho bé. Bố mẹ tuyệt đối không bắt chước giọng nói ngọng của bé.
7. Cho bé trải nghiệm các khái niệm
Ví dụ có thể cho bé hiểu được khái niệm cao, thấp bằng cách nâng bé lên cao, hạ bé xuống thấp. Cho bé có cơ hội chạm tay vào cốc nước lạnh hay vào cốc nước ấm.
8. Kết hợp từ với cách sử dụng, cho bé được tiếp xúc với đồ vật
Hãy bắt đầu từ những đồ vật đơn giản. Nói cho bé biết bàn chải là để đánh răng, lược để chải đầu, quạt để quạt mát, chổi để quét nhà…Bé sẽ ghi nhớ nhanh hơn và cũng hứng thú hơn với việc học nói.
9. Ra mệnh lệnh cho bé, nhưng phải từng câu một
Đưa ra mệnh lệnh cho bé cũng là cách giúp bé tăng cường khả năng ngôn ngữ hiệu quả. Nhưng cần nhớ đưa ra những mệnh lệnh đơn giản, từng câu một, phức tạp quá bé sẽ chưa hiểu được ngay và nhanh nản chí.
10. Tập đếm
Tập đếm từ 1 – 10 là hoạt động không những giúp phát triển khả năng ngôn ngữ mà còn tăng khả năng ghi nhớ và kích thích não bộ.